Ngoài ra, nhà đầu tư cũng quan tâm đến việc lạm phát Trung Quốc tăng nóng. Đóng cửa phiên 10/11, giá vàng giao ngay trên thị trường New York tăng 0,97% và chốt phiên ở mức 1.849,9 USD một ounce.
Trước đà tăng của thị trường thế giới, giá vàng miếng tại Công ty Vàng bạc đá quý SJC tới 9h sáng (11/11) tăng 200.000 đồng cả hai chiều, lên 58,9-59,6 triệu đồng một lượng. Chênh lệch mua bán 700.000 đồng một lượng.
Giá vàng trong nước tăng thấp hơn giá thế giới nên mức chênh lệch giữa hai thị trường thu hẹp về mức 8,9 triệu đồng một lượng, nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank.
Thị trường kim loại quý tăng mạnh sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số đo lường mức chi phí mà người tiêu dùng chi trả đối với mọi loại mặt hàng dịch vụ hàng hóa, trong tháng 10 tăng đến 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trong 12 tháng cao nhất tính từ năm 1990, và là tháng thứ 5 liên tiếp lạm phát Mỹ ở trên mức 5%.
Chỉ số giá tiêu dùng lõi, chỉ số loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng, so với cùng kỳ năm trước tăng 4,6% trong tháng 10, cao hơn mức tăng 4% của tháng 9 và ghi nhận mức tăng cao nhất tính từ năm 1991.
Số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm 4.000 xuống còn 267.000 trong báo cáo gần nhất của Bộ Lao động Mỹ.
Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Blue Line Futures ở Chicago, ông Phillip Streible, nhận xét: "Nhà đầu tư đang thận trọng khi giá vàng giao dịch vượt ngưỡng 1.830-1.835 USD".
Trong tuần trước, nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã phát đi thông điệp rằng, lãi suất sẽ vẫn duy trì ở mức thấp trong ngắn hạn, sức hấp dẫn của vàng tăng lên.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên 10/11 khi số liệu chỉ số giá tiêu dùng mới công bố tăng mạnh nhất trong hơn 30 năm.
Đóng cửa phiên, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones hạ khoảng 0,7% xuống còn 36.079,9 điểm; chỉ số S&P 500 giảm 0,8% xuống còn 4.646,7 điểm; chỉ số Nasdaq mất gần 1,7% giá trị xuống còn 15.622,7 điểm.
Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng, nhà đầu tư bán mạnh các cổ phiếu công nghệ và mua vào cổ phiếu ngân hàng. Cổ phiếu Advanced Micro Devices giảm khoảng 6,1%, Nvidia sụt 3,9% và Alphabet sở hữu Google mất 2% giá trị.
Cổ phiếu ngân hàng trong khi đó hưởng lợi từ việc lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng. Cổ phiếu Bank of America tăng gần 0,8%; cổ phiếu Wells Fargo nhích thêm 0,9%.
Sau khi chỉ số CPI Mỹ được công bố, nhà đầu tư đang quan tâm nhiều hơn đến việc khi nào Fed sẽ nâng lãi suất cơ bản USD. Theo các chỉ số tương lai trên thị trường, khả năng Fed nâng lãi suất cơ bản USD vào tháng 7 năm sau đang lớn dần.
Diệu Thanh - Quỳnh Trang (Theo CNBC, Kitco)