Trong phiên giao dịch cuối tuần, hầu hết các đơn vị kinh doanh vàng miếng đều nâng giá mua bán theo đà tăng thế giới.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI mua vào 50,48 triệu đồng một lượng, tăng 130.000 đồng so với lúc mở cửa. Chiều bán ra cũng nhích thêm 100.000 đồng, lên 50,7 triệu đồng.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) mua vào 50,38 triệu đồng và bán ra đến 50,78 triệu đồng, cách đỉnh lịch sử được lập ngày 9/7 chỉ 40.000 đồng mỗi lượng. Trong khi đó, các loại vàng trọng lượng thấp hơn đã lên 50,81 triệu đồng.
Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB) tiếp tục là đơn vị niêm yết giá vàng cao nhất thị trường. Ngân hàng này mua vào chỉ 49,9 triệu đồng nhưng bán ra 51,05 triệu đồng, chênh lệch gần 1,2 triệu đồng mỗi lượng.
Giá vàng trong nước tăng trở lại sau vài phiên giằng co quanh 50,5 triệu đồng vì áp lực bán chốt lời, cộng hưởng biến động tiêu cực của thị trường vàng thế giới.
Vàng hiện giao dịch ở vùng 1.810 USD một ounce và theo nhận định của nhiều chuyên gia, con số này sẽ tiếp tục tăng trong tuần tới. Cuộc thăm dò của sàn Kitco ghi nhận gần 70% chuyên gia Phố Wall dự báo xu hướng tăng sẽ kéo dài, trong khi chỉ 25% cho rằng giá vàng đi ngang và 6% đoán giá sẽ quay đầu giảm.
"Nhà đầu tư đang mua vàng như một loại bảo hiểm nên yếu tố giá trở nên ít quan trọng. Do đó, tôi đoán giá vàng có thể tăng hơn nữa", ông Adrian Day - Giám đốc điều hành Adrian Day Asset Management nói.
Việc Chính phủ Mỹ sắp công bố các biện pháp kích thích mới để hỗ trợ nền kinh tế đang chững lại vì đại dịch cũng tạo thêm áp lực cho đồng USD, từ đó trở thành động lực đẩy giá vàng lên. Một số chuyên gia dựa trên cơ sở này để mạnh dạn dự đoán giá vàng thế giới sẽ chinh phục mốc 1.900 USD một ounce trong vài tháng tới, thậm chí có thể vọt lên đỉnh 2.000 USD.
Thiên Ngân