Đóng cửa phiên 7/9, giá vàng giao ngay trên thị trường New York hạ 1,83% xuống còn 1.794,4 USD một ounce.
Chuyên gia tại quỹ Altavest, ông Michael Armbruster, nhận xét diễn biến này có nguyên nhân trực tiếp từ việc đồng USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng. Nếu khảo sát kinh tế các vùng (Beige Book) của Fed công bố vào thứ Tư (ngày 8/9) cho thấy kinh tế hạ nhiệt tăng trưởng, giá vàng sẽ có yếu tố hỗ trợ quan trọng. Còn ở hiện tại, nhà đầu tư quan tâm đến mua vàng ở vùng giá dưới 1.800 USD".
Đây cũng là phiên giảm tiếp theo của kim loại quý này sau phiên mất 0,8% tuần trước. Chuyên gia phân tích tại Zaner trong nghiên cứu gần đây đã nhấn mạnh việc suy giảm của giá vàng gần đây có thể coi như sự điều chỉnh bình thường khi mà nhà đầu tư phản ứng quá mức với khả năng Fed giữ vững quan điểm chính sách sau báo cáo việc làm vào tháng 8.
Chuyên gia tại Zaner cũng cho rằng đồng USD sẽ tiếp tục hồi phục trong tuần này. Zaner cũng trích dẫn số liệu cho hay, tiền đầu tư vào các quỹ ETF vàng hiện rất thấp, lượng vàng các quỹ ETF nắm giữ vào cuối tuần trước thấp hơn 6,8% so với cùng kỳ năm. Trong ngày 7/9, lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng; Trung Quốc công bố lượng nắm giữ vàng trong tháng 8 giảm 0,6% so với tháng liền trước.
Đồng USD, theo tính toán diễn biến của chỉ số ICE Dollar, tăng giá. Chỉ số Dollar Index tăng 0,5% trong phiên giao dịch ngày 7/9. Đồng USD mạnh hơn thường đẩy giá vàng vốn được định giá bằng đồng USD giảm xuống.
Phần lớn các chỉ số trên thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên ngày 7/9. Nhà đầu tư lo ngại sự lây lan của đại dịch sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế.
Hiện đã có những bằng chứng cho thấy kinh tế Mỹ đang mất đà tăng trưởng khi mùa hè qua đi, người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu, nhiều doanh nghiệp tạm ngưng các kế hoạch tuyển dụng trong khi phải chi nhiều hơn để đáp ứng các yêu cầu phòng dịch mới.
Chỉ số S&P 500 giảm 0,3% xuống còn 4.520 điểm; Dow Jones mất 0,8% xuống còn 35.100 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,1% lên 15.374,3 điểm, một mức cao kỷ lục.
Nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch, biến chủng Delta lây lan khiến cho nhiều doanh nghiệp phải hoãn lại kế hoạch cho nhân viên đến văn phòng làm việc. Niềm hy vọng của ngành du lịch Mỹ về khả năng số lượng các chuyến đi tăng đột biến dường như cũng đang giảm đi.
Dấu hiệu mới nhất về việc biến chủng Delta đang gây cản trở đà phục hồi kinh tế có thể thấy ở việc vào ngày 3/9 vừa rồi, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 8 cho thấy tốc độ tuyển dụng của doanh nghiệp Mỹ chững lại đáng kể trong tháng 8.
Diệu Thanh (Theo Market Watch, WSJ)