Đóng cửa phiên ngày 29/6, giá vàng giao ngay trên thị trường New York giảm gần 20 USD (khoảng 0,97%) xuống còn 1.761 USD mỗi ounce.
Yếu tố gây sức ép lên giá vàng trong phiên chính là đồng bạc xanh mạnh lên. Ngoài ra, lợi suất trái phiếu cao làm tăng chi phí cơ hội của việc mua trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ so với vàng và bạc vốn không mang lại lợi suất.
Nhà đầu tư trên thị trường vàng hiện rất quan tâm đến triển vọng lạm phát trong giai đoạn kinh tế phục hồi từ đại dịch Covid-19.
Triển vọng diễn biến của giá vàng hiện khá khó đoán khi mà Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khẳng định rằng, lạm phát chỉ là vấn đề tạm thời và việc lãi suất cao hơn nhiều khả năng khó xảy ra cho đến cuối năm 2022. Giá vàng thường hưởng lợi từ lạm phát cao và lãi suất thấp hơn.
"Thị trường dường như không hài lòng với quan điểm của Fed về lạm phát. Ngày một nhiều nhà đầu tư tin rằng sự mơ hồ của ngân hàng trung ương kết hợp với quan điểm chính sách tiền tệ trái chiều từ các quan chức của Fed sẽ dẫn đến khả năng lãi suất được điều chỉnh tăng sớm hơn so với kỳ vọng trước đây", Chuyên gia phân tích cao cấp tại ActiveTrades – ông Ricardo Evangelista, nhấn mạnh.
Evangelista dự báo rằng, một kịch bản như vậy sẽ hỗ trợ cho USD, khiến giá vàng đương đầu với nhiều thách thức hơn nữa và trong ngắn hạn có thể ảnh hưởng xấu đến giá kim lại quý này.
Các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch 29/6 tiếp tục lập những kỷ lục mới. Cổ phiếu của ngân hàng được mua mạnh sau thông tin các nhà băng sẽ tăng cổ tức.
Đóng cửa phiên, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng 0,1% lên 34.292,2 điểm; chỉ số S&P 500 cũng nhích thêm 0,1%, lên mức kỷ lục mới 4.291,8 điểm; chỉ số Nasdaq ghi nhận mức tăng 0,2% lên 14.528,3 điểm.
Nhiều chuyên gia phân tích trên thị trường chứng khoán lạc quan về quá trình phục hồi kinh tế từ sau đại dịch; niềm tin người tiêu dùng và chỉ số giá nhà tăng vọt.
Cụ thể, Conference Board công bố chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ tháng 6 tăng lên 127,3 điểm từ mức 120 điểm của tháng 5 và như vậy chính thức chạm ngưỡng cao nhất tính từ trước Covid-19 vào tháng 3/2020.
Chuyên gia kinh tế trưởng tại quỹ Pantheon Macroeconomics, ông Ian Shepherdson, nhận xét: "Diễn biến mới nhất về niềm tin người tiêu dùng rất đáng chú ý bởi xét đến số lượng việc làm hiện vẫn thấp hơn 10 triệu so với lúc không có khủng hoảng xảy ra. Có thể thấy người tiêu dùng đang lạc quan khi giá tài sản tăng cao và số lượng ca nhiễm Covid-19 suy giảm mạnh trong thời gian gần đây".
Còn theo phân tích của trưởng bộ phận đầu tư tại quỹ Bryn Mawr Trust, ông Jeff Mills, niềm tin người tiêu dùng được hỗ trợ bởi số lượng việc làm mới tăng lên.
Chủ tịch Fed tại Richmond, ông Thomas Barkin, cho biết ông lạc quan rằng thị trường lao động Mỹ sẽ diễn biến thuận lợi trước cuối mùa hè. Trong tuần trước, ông nói áp lực lạm phát Mỹ chỉ diễn ra trong ngắn hạn, tuy nhiên ngân hàng trung ương cần theo dõi sát sao và theo dõi diễn biến giá chặt chẽ. Ông Barkin hiện đang là thành viên có quyền bỏ phiếu của ủy ban điều chỉnh lãi suất thuộc Fed.
Diệu Thanh (Theo MarketWatch)