Theo đó, mỗi ounce vàng giao ngay trên thị trường New York đóng cửa ngày hôm qua (15/6) giảm khoảng 0,38%, xuống 1.858,7 USD. Phiên liền trước, mỗi ounce vàng cũng đã sụt gần 12 USD.
Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng mất khoảng 2% và hiện không duy trì được trên ngưỡng 1.900 USD một ounce.
Như vậy, giá vàng đã không ngừng đi xuống trước khi thông tin từ cuộc họp chính sách quan trọng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào 2 ngày 15-16/6 chính thức được công bố. Tuyên bố của quan chức thuộc Fed từ cuộc họp này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến diễn biến của thị trường tài chính trong vài tháng tới.
Chuyên gia phân tích thị trường cao cấp tại FXTM – ông Lukman Otunuga nhận xét, giá vàng đi xuống khá nhanh khi những lo lắng về khả năng Fed sẽ rút đi các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp gây sức ép lên thị trường kim loại quý. Ông Otunuga dự báo, việc giá vàng chốt tuần này ở mức bao nhiêu sẽ chịu ảnh hưởng nhiều bởi kết quả của buổi họp chính sách của Fed.
"Nếu Ngân hàng trung ương Mỹ vẫn giữ quan điểm mềm mỏng, giá vàng sẽ lại có động lực lên ngưỡng tâm lý quan trọng 1.900 USD một ounce. Còn nếu có bất kỳ dấu hiệu thắt chặt chính sách nào từ cuộc họp, giá vàng sẽ chịu cú sốc và rơi xuống dưới ngưỡng 1.855 USD một ounce", ông Otunuga nói.
Trưởng bộ phận đầu tư tại XM, ông Marios Hadjikyriacos cũng cho biết, lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ hồi phục đáng kể từ mức thấp gần đây. Điều này cho thấy một số nhà đầu tư đang thận trọng trước thông điệp Fed đưa ra về khả năng siết chặt chính sách tiền tệ.
Doanh số bán lẻ Mỹ tháng 5 giảm 1,3% cho thấy kinh tế Mỹ không còn được hỗ trợ từ gói kích cầu của liên bang nhưng người tiêu dùng nước này vẫn đang chi tiêu mạnh tay hơn so với 1 năm trước đây.
Ngoài ra, chỉ số giá cả hàng hóa bán buôn tháng 5 tăng tháng thứ 5 liên tiếp. Đây là dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát liên quan đến quá trình mở cửa của kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ kéo dài suốt mùa hè.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ phiên 15/6, S&P 500 và Nasdaq hạ nhẹ sau khi lập mức kỷ lục. Nhà đầu tư chứng khoán Mỹ có tâm lý chờ đợi cuộc họp chính sách quan trọng của Fed.
Đóng cửa phiên, chỉ số S&P 500 mất 0,2% giá trị, xuống còn 4.246,59 điểm; Dow Jones giảm 0,3% xuống 34.299,3 điểm; chỉ số Nasdaq giảm 0,7% xuống 14.972,8 điểm khi mà cổ phiếu Apple, Alphabet, Amazon và Microsoft đều mất điểm.
Cổ phiếu bất động sản và công nghệ giảm trong phiên hôm qua, trong khi đó, cổ phiếu năng lượng mang đến "lực đỡ" quan trọng cho thị trường chứng khoán và ghi nhận mức tăng 2,1%. Cổ phiếu Diamondbank Energy tăng 5,1%; cổ phiếu Exxon Mobil và Occidental Petroleum đều tăng hơn 3%.
Cuộc họp chính sách của Fed bắt đầu từ ngày thứ Ba (ngày 15/6) và kéo dài hai ngày. Với thị trường tài chính Mỹ, cuộc họp này rất quan trọng. Ngân hàng trung ương Mỹ nhiều khả năng sẽ không có động thái chính sách mới. Tuy nhiên, các bình luận của Fed liên quan đến lãi suất, lạm phát và nền kinh tế sẽ ảnh hưởng đến diễn biến thị trường.
Chuyên gia quản lý quỹ nổi tiếng, tỷ phú Paul Tudor nói rằng, cuộc họp của Fed có thể là cuộc họp quan trọng nhất trong sự nghiệp của Chủ tịch Fed Jerome Powell. Ông Tudor Jones cảnh báo có thể xảy ra làn sóng bán tháo tài sản rủi ro nếu ông Powell không làm tốt công việc phát đi thông điệp rõ ràng về việc thu hẹp quy mô chương trình mua tài sản của Fed.
Diệu Thanh (Theo CNBC, MarketWatch)