Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/8 trên thị trường New York, giá vàng giao ngay hạ 0,43% xuống còn 1.780,4 USD một ounce, đánh dấu phiên giảm thứ ba liên tiếp khi đồng USD mạnh lên và số liệu kinh tế tích cực hơn khiến cho nhu cầu đối với vàng giảm đi.
Nhà đầu tư trên thị trường đón nhận thông tin từ biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố vào ngày 18/8 cho thấy, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ nhiều khả năng sẽ bắt đầu rút đi một số chương trình nới lỏng tiền tệ trong năm nay.
Biên bản từ cuộc họp vào ngày 27 và 28/7 của Fed càng khẳng định cho những thông tin gần đây về khả năng Fed muốn thu hẹp quy mô chương trình trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ và chứng khoán đảm bảo bằng tài sản 120 tỷ USD, quan điểm chính sách này được đánh giá tiêu cực với giá vàng. Tuy nhiên, cùng lúc đó, nó cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý lạc quan trên thị trường chứng khoán.
Chuyên gia phân tích về thị trường kim loại quý tại ngân hàng HSBC, Jim Steel, nhận xét biên bản cuộc họp mới nhất cho thấy các thành viên ủng hộ cho việc thắt chặt chính sách sớm, tuy nhiên vẫn còn nhiều quan điểm chia rẽ.
Theo số liệu mới nhất được công bố, số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm 29.000 xuống còn 348.000 trong tuần kết thúc ngày 14/8/2021, thấp nhất trong 17 tháng. Cùng lúc đó, Fed tại Philadelphia công bố chỉ số hoạt động kinh doanh tháng 8/2021 giảm xuống còn 19,4 điểm từ mức 21,9 điểm trong tháng 7/2021.
Giá vàng trong phiên gần nhất giảm còn bởi đồng USD tăng giá. Chỉ số Dollar Index tăng 0,4%. Đồng USD mạnh lên sẽ gây sức ép lên giá vàng.
Chuyên gia phân tích thị trường tại Kinesis, ông Carlo Alberto De Casa, cho rằng ngưỡng 1.790 USD một ounce vẫn có thể coi như ngưỡng kháng cự quan trọng cho giá vàng. Nếu giá vàng vượt được ngưỡng này, vùng giá tiếp theo có thể sẽ là 1.790-1.820 USD.
Trong khi đó, những lo lắng liên quan đến biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm cao đang gây sức ép lên thị trường chứng khoán Mỹ, theo nghiên cứu của đại học Oxford dựa trên dữ liệu thời gian thực. Ngoài ra, nỗi lo về khả năng Fed rút đi các chính sách kích thích cũng ảnh hưởng đến tâm lý trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Đóng cửa phiên ngày 19/8, chỉ số S&P 500 tăng 0,1% lên 4.405,8 điểm; chỉ số Nasdaq tăng 0,1% lên 14.541,7 điểm; chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones hạ gần 0,2% xuống 34.894,1 điểm.
Như vậy chỉ số S&P 500 đã ngừng giảm điểm còn chỉ số Dow Jones có phiên tăng thứ ba. Biên bản cuộc họp mới nhất từ cuộc họp vào cuối tháng 7 từ Fed cho thấy Fed đã bắt đầu tính đến việc thu hẹp chương trình mua trái phiếu quy mô 120 tỷ USD trước thời điểm cuối năm nay. Từ đầu tuần đến nay, cả ba chỉ số đều giảm điểm.
Diệu Thanh (Theo MarketWatch, CNBC)