Các nhà phân tích của Citi nhận định, sự kết hợp của các yếu tố lãi suất thấp, rủi ro gia tăng về suy thoái toàn cầu và nhu cầu gom vàng của các ngân hàng trung ương có thể đẩy giá cao hơn. Trong một đến hai năm tới, giá kim loại quý này có thể vượt qua mức kỷ lục 1.918 USD mỗi ounce của năm 2011.
Với mức giá hiện tại xoay quanh 1.500 USD một ounce, hai nhà băng Goldman Sachs và BNP Paribas cũng dự báo giá kim loại quý này có thể lên 1.600 USD ngay trong vài tháng tới.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang, Fed cắt giảm lãi suất, lợi suất trái phiếu âm khiến các nhà đầu tư tìm đến tài sản trú ẩn an toàn. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân kéo giá vàng lên cao thời gian qua là các ngân hàng trung ương mua vàng để đa dạng hóa dự trữ và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong những năm tới, ANZ nhận định.
Theo Hội đồng vàng thế giới, các ngân hàng trung ương đang mua nhiều vàng nhất trong 9 năm qua. Từ đầu năm đến nay, Nga mua khoảng 106 tấn vàng, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn dẫn đầu so với các quốc gia khác. Trung Quốc, Kazakhstan và Ba Lan cũng là những quốc gia mua vàng ồ ạt, trong đó riêng Bắc Kinh đã bổ sung vàng dự trữ 9 tháng liên tiếp, nâng tổng số vàng mua thêm lên gần 100 tấn kể từ cuối năm ngoái.
Theo báo cáo của Công ty chứng khoán SSI, trong 8 tháng đầu năm, vàng đã trở thành tài sản tăng giá mạnh nhất (tăng 17% so với đầu năm) với mức sinh lời vượt kênh đầu tư cổ phiếu và bỏ xa các kênh đầu tư khác như trái phiếu, tiền gửi hay mức tăng giá của đồng yen Nhật (JPY).
Đà tăng của kim loại quý xuất phát từ tình trạng bất ổn trên thế giới, dẫn đầu là sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cộng hưởng với các chỉ báo kinh tế bi quan của Anh, châu Âu; bất ổn tại Hong Kong hay căng thẳng Nhật Bản - Hàn Quốc.
Quỳnh Trang (Theo BI, FT)