Chốt phiên ngày 31/8, giá vàng giao ngay trên thị trường New York tăng nhẹ 3,9 USD một ounce và đóng cửa ở mức 1.814,1USD một ounce. Giá vàng giao ngay cũng chốt ở mức tương tự. Như vậy trong tháng vừa qua, sau nhiều phiên trồi sụt, giá vàng biến động rất nhẹ.
Trong phiên ngày 31/8, giá vàng được hỗ trợ bởi thông tin chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ rơi xuống mức thấp nhất trong 6 tháng và thông tin xấu về ngành sản xuất Mỹ. Conference Board công bố chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ tháng 8 rơi xuống mức 113,8 từ mức 125,1 của tháng 7. Ngoài ra, chỉ số của ngành sản xuất Chicago (Chicago PMI) giảm xuống mức 66,8 trong tháng 8 từ mức 73,4 của tháng 7.
Nếu chỉ số đồng USD tiếp tục suy yếu, điều này sẽ hỗ trợ cho giá vàng nhưng cùng lúc đó làm tăng bất ổn trên thị trường chứng khoán và tài chính nói chung, ông Wyckoff dự báo về tháng 9 và tháng 10 đầy biến động sắp tới.
Chỉ số Dollar Index rơi xuống mức thấp 92,4 điểm trong ngày 31/8. Tuy nhiên chốt phiên ở 92,6 điểm và tính cả tháng qua tăng gần 0,6%.
Chuyên gia phân tích thị trường cao cấp tại quỹ XM, ông Marios Hadjikyriacos, nhận định: "Thị trường đang giao dịch dựa trên tính toán về khả năng liệu Fed có phát đi thông điệp siết chặt chính sách tiền tệ trong tháng 9 và thực sự thực thi nó trong tháng 11, hoặc khả năng khác là Fed thông báo vào tháng 11 và thực sự áp dụng nó vào tháng 12".
Trong bối cảnh này, báo cáo thị trường việc làm tháng 8 của Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu tuần này (ngày 3/9) sẽ rất quan trọng với diễn biến giá cả của các loại tài sản tài chính. Nếu số liệu việc làm tốt hơn thị trường kỳ vọng, các cuộc đối thoại về siết chặt chính sách tiền tệ cũng như nâng lãi suất lại nóng lên, điều này sẽ gây sức ép lớn lên giá vàng.
Nhận định về diễn biến kinh tế Mỹ trong những tháng tới, chuyên gia phân tích tại Oanda viết trong nhận định mới đây: "Sự phục hồi kinh tế tại Mỹ sẽ có thể chững lại trong những tháng tới, kết quả trực tiếp từ tác động của biến chủng Delta, tuy nhiên sẽ vẫn đúng hướng kỳ vọng. Điều này sẽ có thể hạn chế đà tăng của giá vàng trong trung hạn".
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên cuối tháng. S&P 500 khép lại tháng tăng điểm 7 tháng liên tiếp.
Đóng cửa phiên, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm 0,11% và đóng cửa ở mức 35.360,7 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,13% xuống 4.522,6 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,04% xuống còn chỉ 15.259,24 điểm.
Phiên 31/8 là phiên giao dịch cuối cùng của tháng, các chỉ số chính đã có khoảng thời gian tăng bền vững. Tính cả tháng 8, chỉ số S&P 500 tăng 2,9%; chỉ số Nasdaq tăng gần 4% và có tháng tăng thứ 3; chỉ số Dow Jones nhích thêm 1,2%.
Đối với chỉ số S&P 500, chỉ số có 7 tháng tăng điểm liên tiếp, đây là chuỗi thời gian tăng điểm dài nhất tính từ khoảng thời gian 10 tháng tăng điểm kết thúc vào tháng 12/22017. Tính đến hết phiên đầu tuần (30/8), chỉ số đã có 53 phiên lập kỷ lục mới. Nhiều chuyên gia trên phố Wall vẫn tin vào khả năng chỉ số sẽ vẫn tăng điểm.
Diệu Thanh (Theo CNBC, MarketWatch)