Ngày 10/6, giá vàng tăng phiên thứ hai liên tiếp sau thông tin cho thấy lạm phát tại Mỹ tháng 5/2021 lên cao nhất 13 năm.
Chốt phiên, giá vàng giao ngay trên thị trường New York tăng 0,54% lên 1.898,2 USD một ounce. Nhưng trong đầu phiên, đã có lúc giá tăng vọt 20 USD từ 1.870 USD và từ đó hình thành xu hướng đi lên cho tới khi chốt phiên.
Giá vàng trên sàn giao dịch Mỹ tăng vọt. Ảnh: Kitco.
Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng Mỹ tăng 0,6% trong tháng 5/2021 và ghi nhận tháng tăng thứ 4 liên tiếp. Nếu so với cùng kỳ, lạm phát Mỹ tháng 5/2021 tăng 5% từ mức 4,2% của tháng trước đó, cao nhất từ năm 2008.
Chuyên gia quản lý đầu tư tại quỹ Gold Bullion Strategy Fund, ông Jason Teed, cho rằng Fed vẫn giữ nguyên quan điểm lạm phát cao chỉ diễn ra trong ngắn hạn do các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng dưới tác động của đại dịch Covid-19, việc kinh tế hồi phục sau khi các biện pháp phong tỏa được gỡ bỏ vào tháng trước, và dường như thị trường cũng đồng thuận như vậy.
Cũng theo ông Teed, nếu lạm phát tăng vượt kỳ vọng trong thời gian tới, giá vàng sẽ tăng theo. Nhưng nếu lạm phát bắt đầu hạ nhiệt, chắc chắn giá vàng sẽ đảo chiều suy giảm.
Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thời hạn 10 năm giảm xuống mức còn 1,47% - thấp nhất tính từ tháng 3/2021. Chỉ số Dollar Index trong khi đó duy trì ổn định trên ngưỡng 90 điểm.
Chuyên gia phân tích thị trường tại Think Markets, ông Fawad Razaqzada, nhận xét dường như thị trường vàng cũng đồng thuận với quan điểm của Fed rằng lạm phát sẽ dịu đi trong những tháng tới, tức lãi suất sẽ ở mức thấp lâu hơn.
Trong nhiều phiên gần đây, giá vàng đã "chật vật" mà không thể vượt được ngưỡng quan trọng 1.900 USD một ounce. Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ và đồng USD yếu đã hỗ trợ cho giá vàng nhưng những bất ổn xung quanh số liệu lạm phát đồng nghĩa triển vọng giá vàng tăng còn đối diện nhiều bất lợi.
Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố không thay đổi lãi suất cơ bản đồng euro nhưng có thể rút bớt đi chương trình mua tài sản để tiếp tục hỗ trợ cho thị trường tài chính trong khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số S&P 500 đóng cửa ở mức cao kỷ lục sau khi nhà đầu tư đón nhận thông tin lạm phát tăng cao.
Chốt phiên, S&P 500 tăng 0,5% lên 4.239,1 điểm; Nasdaq tăng 0,8% lên 14.020,3 điểm, Dow Jones nhích rất nhẹ 0,06% lên 34.466,2 điểm.
Thị trường chứng khoán tăng điểm và lợi suất trái phiếu giảm cho thấy nhà đầu tư ủng hộ quan điểm của Fed về việc giá cả tại Mỹ tăng sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn và nó được gây ra bởi việc nhu cầu tăng nhanh và vượt quá nguồn cung khi kinh tế hồi phục từ đại dịch Covid-19.
Không ít nhà đầu tư tin lạm phát cao chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và do so sánh với cái nền rất thấp của cùng kỳ năm ngoái.
Bộ Lao động Mỹ công bố trong tuần kết thúc ngày 5/6/2021, số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm 9.000 xuống còn 376.000 người – thấp nhất tính từ tháng 3/2020. Các chuyên gia tham gia khảo sát của WSJ từng dự báo về con số 370.000.
Cổ phiếu đầu cơ là tâm điểm của phố Wall. Cổ phiếu Game Stop giảm đến 27,16% bởi vào cuối ngày thứ Tư công ty này công bố Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đã yêu cầu công ty hợp tác điều tra về biến động giá cổ phiếu những tháng gần đây. GameStop nhiều khả năng không phải doanh nghiệp duy nhất nhận được thông báo này.
8 tháng đầu năm tài khóa, thâm hụt ngân sách liên bang Mỹ đã lập kỷ lục 2.100 tỷ USD, tăng đáng kể so với mức thâm hụt 1.900 tỷ USD cùng kỳ năm 2020.
Diệu Thanh (Theo Market Watch)