Dollar Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn - hôm 27/8 xuống thấp nhất 13 tháng, tại 100,5 điểm. Hiện tại, chỉ số vẫn dao động quanh mốc này.
Tính chung từ đầu tháng, đôla Mỹ đã hạ hơn 3%. Đồng tiền này đang trên đà ghi nhận tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2022.
Bảng Anh dao động quanh đỉnh 2 năm so với USD. Hiện mỗi bảng đổi được 1,32 đôla Mỹ. Nhà đầu tư cho rằng Ngân hàng Trung ương Anh sẽ không giảm lãi suất mạnh như Mỹ.
Một euro hiện đổi được 1,12 USD - cao nhất 13 tháng. Đôla Australia cũng lên cao nhất 7 tháng so với đôla Mỹ, khi 1 AUD đổi được 0,68 USD. Nguyên nhân là chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 của nước này tăng mạnh hơn dự báo.
USD đi xuống khi thời điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được kỳ vọng giảm lãi suất đang đến gần. Tháng tới, cơ quan này sẽ có cuộc họp chính sách 2 ngày.
Biên bản cuộc họp tháng 7 cho thấy quan chức Fed đang nghiêng về khả năng nới lỏng chính sách lần đầu tiên kể từ đầu đại dịch. Vấn đề tranh cãi của nhà đầu tư là Fed sẽ giảm 25 điểm cơ bản (0,25%) hay 50 điểm (0,5%). Công cụ theo dõi lãi suất CME FedWatch cho thấy khả năng xảy ra kịch bản thứ hai ngày càng lớn. Từ nay đến cuối năm, Fed được kỳ vọng giảm tổng cộng 100 điểm cơ bản (1%).
Tuần này, kinh tế Mỹ sẽ đón nhận nhiều số liệu quan trọng. Đó là Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 7 - thước đo lạm phát ưa thích của Fed và GDP quý II của Mỹ. Một số quan chức cấp cao của Fed, như Christopher Waller và Raphael Bostic sẽ có các bài phát biểu được nhà đầu tư quan tâm.
Trong khi đó, đồng yen yếu đi so với USD, hiện còn 1,44 JPY một USD. Sáng 28/8, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Ryozo Himino khẳng định cơ quan này sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ nếu họ tự tin mục tiêu tăng trưởng và lạm phát có thể đạt được. Dù vậy, ông cũng nhấn mạnh BOJ thận trọng trước các diễn biến gần đây trên thị trường tài chính.
Hà Thu (theo Reuters)