Cuối ngày 18/3, biểu tỷ giá mua - bán USD tại các ngân hàng thương mại tăng khá mạnh. So với sáng qua, mức giá bán đôla Mỹ của các nhà băng tăng 50-60 đồng.
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) niêm yết giá bán USD cuối ngày ở 23.370 đồng, trong khi mua vào 23.230 đồng, cao hơn lúc mở cửa ngày 50 đồng, còn nếu so với sáng hôm qua, mỗi USD đắt hơn 60 đồng.
Mỗi USD tại Vietinbank đóng cửa cũng vọt lên 23.228 - 23.368 đồng, còn BIDV đặt giá bán USD thấp hơn hai nhà băng trên khi niêm yết quanh 23.360 đồng bán ra và 23.220 đồng mua vào.
Trên thị trường tự do, giá USD tại các điểm mua bán ngoại tệ cũng tiếp tục đi lên sau khi có bước tăng mạnh gần 300 đồng cách đây hai ngày. Mỗi USD mua bán cuối ngày 18/3 có giá 23.500-23.650 đồng, tăng vài chục đồng so với hôm qua.
Tỷ giá bắt đầu tăng mạnh kể từ đầu tuần này, sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất lần 2 xuống 0-0,25%. Cùng với đó, giá vàng trong nước cao hơn thế giới 3,5-4 triệu đồng khiến không ít ý kiến lo ngại tình trạng "gom USD để nhập lậu vàng".
Hiện nay, vàng miếng bị kiểm soát chặt trong khâu sản xuất nhưng vàng nữ trang vẫn thả lỏng. Hôm nay, giá vàng nhẫn tại các doanh nghiệp vẫn ở mức cao 44,6 triệu đồng, đắt hơn thế giới khoảng 2,3 triệu đồng.
Ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này theo dõi sát tình hình kinh tế vĩ mô, đặc biệt diễn biến thị trường tài chính toàn cầu (lãi suất, tỷ giá, giá dầu,...). Qua đó cập nhật, phân tích, dự báo để sử dụng linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ.
Ngoài ra, vị này cho rằng Ngân hàng Nhà nước hiện có đủ năng lực, nguồn lực, công cụ cũng như các phương án cần thiết để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Đồng thời cơ quan này điều hành ổn định lãi suất và tỷ giá, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp khi cần thiết, đảm bảo thị trường tiền tệ, ngoại tệ hoạt động thông suốt.
Lệ Chi