Trong số đầu tiên - "Chìa khóa du học Australia trong thời bình thường mới", nghệ sĩ Thanh Bùi - Chủ tịch tổ chức giáo dục Embassy Education, bà Phoebe Trần - host chương trình IELTS Face-off, Giám đốc quốc gia Crimson Education cùng bà Phạm Thị Cúc Hà - nhà sáng lập kiêm Giám đốc SACE College Việt Nam, Phó Chủ tịch hội đồng Hanoi Adelaide School cho rằng giá trị khác biệt của du học so với việc học trong nước là những trải nghiệm văn hóa phong phú.

Nghệ sĩ quốc tế Thanh Bùi - Chủ tịch tổ chức giáo dục Embassy Education (hàng trên bên phải), bà Phoebe Trần - host chương trình IELTS Face-off, Giám đốc quốc gia Crimson Education (hàng dưới bên trái), bà Phạm Thị Cúc Hà - nhà sáng lập kiêm Giám đốc SACE College Việt Nam (hàng dưới bên phải) và host của chương trình - PGS. TS. Trần Hà Minh Quân, Viện trưởng ISB, Đại học Kinh tế TP HCM. Ảnh: Chụp màn hình
Nghệ sĩ Thanh Bùi khẳng định, học sinh có thể giỏi khi học ở bất cứ đất nước, ngôi trường nào. Nhiều học sinh học tại Việt Nam vẫn rất giỏi, không cần du học. Tuy nhiên, ông đánh giá cao những trải nghiệm, kỹ năng thực tiễn mỗi người đã tích lũy hơn. Cơ hội tiếp cận văn hóa, sống ở một đất nước khác sẽ giúp học sinh tự tin hơn.
"Điều mình học qua một cuốn sách, ai cũng học được. Nhưng, nếu mình học qua sự trải nghiệm, đó là một điều rất đặc biệt", nghệ sĩ Thanh Bùi khẳng định.
Mặt khác, ông cho rằng, các gia đình Việt Nam quá nuông chiều con, dẫn tới các bạn không biết tự nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa... Tuy nhiên, khi tới một đất nước hoàn toàn xa lạ, du học sinh hoàn toàn phải học làm những điều đó và sắp xếp thời gian một ngày sao cho hợp lý. Đó là trải nghiệm để sống và trưởng thành hơn.
Từ câu chuyện về người bạn gái tại Singapore không biết nấu ăn, bà Phoebe Trần cũng nhận định, khi du học, các bạn trở nên trưởng thành và tự tin hơn. Bởi lẽ, du học sinh có thể học được cách chấp nhận sự khác biệt, thay vì quan niệm con gái phải thành thục "nữ công gia chánh" mới là điều tốt nhất.
"Các bạn có thể suy nghĩ sâu sắc và vị tha hơn khi tiếp nhận với sự khác biệt trong văn hóa, cũng như là cách những con người khác nhau sống với nhau", bà nói thêm.
Bà Cúc Hà cũng nhấn mạnh, quan điểm về mục đích đi du học đã khác, mở rộng hơn. Không chỉ đơn thuần là lấy kiến thức, trải nghiệm thực tiễn mới là giá trị quý giá.
Với sự phát triển của công nghệ, việc học không còn bó hẹp trong một đất nước. Học sinh có thể học bất cứ chương trình của quốc gia nào qua hình thức trực tuyến hay liên kết, tích hợp chứng chỉ quốc tế. Tuy nhiên, việc du học hơn học tập trong nước ở những trải nghiệm bên ngoài, từ những điều nhỏ nhất, khi sinh sống ở một nơi xa lạ.
Như vậy, mỗi quốc gia sẽ có văn hóa sinh hoạt, học tập, làm việc riêng. Ví dụ, tại Australia, Chủ tịch tổ chức giáo dục Embassy Education cho biết, điều mọi người thưởng thức nhất khi đến nước này là cách mọi người tư duy với nhau, làm việc nhóm, cạnh tranh lành mạnh... Khác với nhiều quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, sự phân hóa giàu - nghèo ở Australia đã có sự cân bằng nhất định.
Khi trải nghiệm học tập, sống ở một môi trường như vậy, tư duy, tầm nhìn của học sinh sẽ cởi mở hơn, từ đó, tiếp cận, làm việc tập thể tốt hơn và hạn chế suy nghĩ tiêu cực. "Ở Australia có một điều rất hay là ai cũng sẽ có cơ hội để thành công", Thanh Bùi nói thêm.

Sinh viên Đại học Macquarie (Australia) giao lưu văn hóa Hàn Quốc. Ảnh: Đại học Macquarie
Phân tích theo khía cạnh triết lý giáo dục, bà Cúc Hà chia sẻ, lý thuyết của nhà giáo dục Ericsson cho thấy, giai đoạn tốt nghiệp cấp ba (18-22 tuổi) là lúc các bạn trẻ bước vào giai đoạn khủng hoảng bản sắc (identity crisis).
Như vậy, giống như Ericsson phải đi du lịch rất nhiều để có những chiêm nghiệm, học sinh đi du học để có trải nghiệm phong phú. Từ đó, các bạn có thể tìm lại được bản thân, biết mình là con người như thế nào, muốn gì, cần hoàn thiện bằng cách nào... để thành công trong giai đoạn sau.
Nhà sáng lập SACE College Việt Nam kể lại, khi đi du học vào năm 18 tuổi, bà bước vào một xã hội hoàn toàn mới. Việc cảm thấy lạc lõng và ý thức tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi mình cần làm thế nào trong bối cảnh này đã giúp bà nhìn nhận bản thân và tìm lại chính mình.
Qua trải nghiệm thực tiễn và quan sát học sinh, bà khẳng định, hành trình thoát ra khỏi cái bóng của bố mẹ, nhà trường, thoát ra khỏi xã hội thân quen, bước ra khỏi vùng an toàn là lúc các bạn trẻ có tìm mục tiêu riêng.
"Giá trị của du học nằm ở đó: trong khủng hoảng chúng ta phải tìm thấy được bản thân", bà nhấn mạnh.
Nhật Lệ
Chương trình do Viện ISB - Đại học Kinh tế TP HCM (UEH), Cơ quan Thương mại và Đầu tư chính phủ Australia (Austrade) và báo điện tử VnExpress tổ chức, tiếp nối mùa 7 - "Shine with Australia" của Austrade trên IFO Show, VTV7.
Sự kiện quy tụ hơn 20 diễn giả là các chuyên gia giáo dục hàng đầu, đại diện bang và vùng lãnh thổ của Australia cũng như nhiều du học sinh Việt du học thành công.
Chuỗi tọa đàm cũng giới thiệu Global Pathways, mô hình du học chuyển tiếp và nhận bằng từ các đại học Top 1% thế giới của Australia như Đại học Macquarie, Monash, Western Sydney, Wollongong, Griffith, South Australia,... cùng nhiều học bổng giá trị.
Độc giả đăng ký tham gia tại đây.