Ngày 14/1, ông Bùi Văn Chương, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất tôm khô Tân Phát Lợi ở huyện Ngọc Hiển, cho biết giá tôm khô đất loại 1 tăng khoảng 200.000 đồng mỗi ký so với năm ngoái, lên 1,8 triệu. Tôm khô loại 2 hiện có giá khoảng 1,3 triệu đồng một ký. Càng cận Tết, giá mặt hàng này càng tăng thêm.
Theo ông Chương, dù giá tôm khô tăng cao, hiện đơn vị không có sản phẩm để bán và đã ngưng nhận đặt hàng. Lượng tôm khô xuất bán trong mùa Tết năm nay giảm khoảng 70% do giá tôm nguyên liệu tăng cao, khan hiếm.
"Tôm đất nguyên liệu đã cạn nguồn từ tháng trước", ông nói và cho biết hiện giá tôm nguyên liệu này khoảng 190.000 đồng mỗi ký loại 150 con. Để làm một kg tôm khô thành phẩm cần khoảng 7-8 kg tôm đất.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Miên, chủ một cơ sở bán đặc sản ở huyện Đầm Dơi, nói giá tôm đất nguyên liệu lên cao khiến hoạt động sản xuất của các đơn vị gặp nhiều khó khăn.
"Năm nay, tôi cố gắng trả các đơn hàng tôm khô khách đặt trước chứ không dám làm nhiều. So với năm trước, lượng hàng vụ Tết nay giảm khoảng 50%, chỉ còn khoảng 400 kg", anh Miên nói.
Tôm khô Cà Mau, đặc biệt là tôm khô Rạch Gốc, là mặt hàng được người dùng ưa chuộng làm quà biếu tặng vào các dịp lễ, Tết. Khoảng 3 tháng (10-12 âm lịch), sản lượng tiêu thụ chiếm 40-50% của cả năm. Để có hàng khô ngon, các cơ sở phải chọn tôm đất tươi sống, sau đó rửa sạch, luộc, phơi, sấy rồi tách vỏ, phân loại và đóng gói.
Hiện toàn tỉnh có hơn 100 cơ sở sản xuất tôm khô, tập trung nhiều ở địa phương có nguồn nguyên liệu dồi dào như huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi. Năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận nghề làm tôm khô tỉnh Cà Mau là di sản văn hóa phi vật thể.
An Minh