Tôm hùm bông - đặc sản Quy Nhơn năm ngoái được bán 1,9-2,1 triệu đồng và hiếm khi có giá dưới một triệu đồng một kg nay chỉ còn 700.000 đồng. Thậm chí, một số người nuôi phải bán theo hình thức cân xô vì giá giảm quá sốc.
Ông Hòa, người nuôi khoảng 1.000 con tôm hùm tại Nhơn Hải (Quy Nhơn), cho biết đây là mức thấp nhất từ khi vào nghề tới nay. Đợt dịch thứ hai khiến sức mua tại các nhà hàng, quán ăn ở Đà Nẵng và TP HCM giảm sút. Mặt khác, các đơn vị kinh doanh bất động sản, xây dựng đòi lại "mặt nước" khiến người dân phải bán tháo.
Cùng với tôm hùm bông, cá mú – loại chuyên được bán trong các nhà hàng, quán cũng rớt giá thê thảm. Nếu trước đây loại này được bán tại vựa với giá lên tới 200.000-250.000 đồng một kg và tại nhà hàng khoảng 400.000-500.000 đồng thì nay chỉ còn 100.000-120.000 đồng. Người nuôi tại Cam Ranh cho biết, họ đang lỗ khoảng 30.000-40.000 đồng một kg. Đây cũng là mức giá thấp nhất trong 5 năm qua.
Ông Hạnh ở Cam Ranh cho biết, 1/2 lượng cá mú trong ao đã đạt trọng lượng 1-2 kg nhưng vẫn chưa xuất bán được. Ông và các hộ nuôi cũng đang thua lỗ nên buộc phải cắt giảm thực đơn cho cá ăn để duy trì.
"Giá cả chưa kịp phục hồi sau đợt dịch đầu tiên thì đợt thứ hai khiến giá giảm sâu mà sức tiêu thụ lại không có nên lại mất chi phí để nuôi thêm chờ diễn biến dịch", ông Hạnh nói.
Ngoài tôm hùm, cá mú thì ốc hương, ngao hai cồi, hàu, bào ngư giá cũng giảm giá 20-60% so với đầu năm. Ốc Hương trước đây khoảng 300.000-700.000 đồng một kg, nay còn 120.000-300.000 đồng một kg (tùy kích cỡ); ngao hai cồi tại vựa cũng chỉ quanh mức 20.000-30.000 đồng một kg...
Theo anh Hoàng, thương lái thu mua hải sản về bán tại TP HCM cho biết, giá các mặt hàng này giảm mạnh do sức tiêu thụ chậm, hàng xuất qua Trung Quốc còn khó khăn. Trong khi đó, thị trường nội địa bị ảnh hưởng bởi đợt dịch bệnh thứ hai khiến hầu bao của người tiêu dùng ngày càng bị "cắt xén" nên đẩy giá thủy hải sản vừa mới phục hồi được hơn 1 tháng lại quay đầu giảm.
"Các năm trước tôi mua mỗi đợt vài tấn hải sản, năm nay sức mua chỉ còn khoảng 40%. Giá rẻ nhưng không dám gom hàng nhiều vì sợ ế ẩm, âm vốn", anh Hoàng nói.
Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, từ đầu năm đến nay các loại thủy hải sản liên tục xuống giá. Sau đợt dịch đầu tiên, nhiều loại thủy hải sản đã tăng trở lại do mùa cao điểm hè lượng khách du lịch tăng. Tuy nhiên, đợt dịch bùng phát tại Đà Nẵng khiến sức tiêu thụ quay đầu giảm 20-30%.
Chi cục cũng đang cùng cơ quan chức năng Khánh Hòa triển khai những chương trình đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, giải cứu nông sản rớt giá và kiến nghị ngân hàng có chính sách khoanh, giãn nợ cho người nuôi.
Còn tại Quy Nhơn, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Hải cho biết, hội đang vận động những hộ nuôi cầm cự để chờ kiểm soát dịch tránh lỗ. Riêng một số hộ bị đòi lại "mặt nước" thì vẫn buộc bán nên phải chịu thua lỗ nặng.
Hồng Châu