Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, 5 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 138.000 tấn hạt tiêu, tương đương 414 triệu USD, tăng 38,4% về khối lượng nhưng giảm 9,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
5 tháng, giá tiêu xuất khẩu bình quân đạt 3.011 USD một tấn, giảm 35% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất trong gần 3 năm qua.
Giá tiêu xuất khẩu lao dốc vì nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu giảm. Áp lực từ đồng USD tăng, Fed điều chỉnh lãi suất khiến hoạt động nhập khẩu tiêu của nhiều thị trường lớn ảnh hưởng. Trong đó, xuất khẩu hạt tiêu sang Mỹ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Ấn Độ, Đức, Hà Lan, Anh, Hàn Quốc liên tục giảm 20-70% trong nhiều tháng qua.
Trong nước, giá hạt tiêu tăng nhẹ lên mức 73.000-75.000 đồng một kg, nhưng mức này vẫn đang khiến người trồng điêu đứng.
Theo chị Hồng Lam, chủ một vườn tiêu, năm nay thời tiết thất thường, mưa trái vụ nên năng suất thấp. "Chúng tôi chăm sóc tốt nhưng năng suất 600 trụ tiêu của gia đình chỉ đạt 50% nên vẫn lỗ nặng", chị Lam nói.
Tương tự, người dân ở nhà vườn Tây Nguyên cho biết, các vườn tiêu đều giảm năng suất so với năm trước, mức giảm 20-50%. Trong khi đó, họ phải chịu chi phí đầu tư cao do giá vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công tăng mạnh.
Dự báo trong nửa cuối năm, Bộ Công Thương cho rằng giá sẽ đi lên, thị trường trở nên sôi động khi nhu cầu tăng cao từ Trung Quốc, Papua New Guinea, ASEAN, Thổ Nhĩ Kỳ..., bù đắp cho nhu cầu nhập khẩu vẫn trầm lắng của thị trường Mỹ và EU.
Thi Hà