TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, nhận định như trên tại hội thảo Thực trạng, thách thức và giải pháp trong phòng chống tác hại của thuốc lá, ngày 23/11. "Giá thuốc lá ở Việt Nam rẻ đến mức khó tin, cần thay đổi điều này và làm thế nào để việc hút thuốc ở người trẻ trở nên khó khăn hơn", đại diện WHO nói.
Giá trung bình một bao thuốc lá nhãn hiệu phổ biến tại Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với giá bình quân của tất cả quốc gia, được cho là thấp nhất trên thế giới. Giá này hiện tương đương Campuchia, Lào, thấp hơn nhiều so với Singapore, Malaysia... cùng nhiều nước trong khu vực.
Ông Đào Thế Sơn, chuyên gia kinh tế, giảng viên Đại học Thương mại, nói: "Giá thuốc rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên cũng như người nghèo Việt Nam". Ông cho rằng một trong nguyên nhân chủ yếu của tỷ lệ hút thuốc lá còn cao và giảm chậm là do thuế đối với mặt hàng này còn rất thấp.
Báo cáo năm 2021 về chỉ số thuế thuốc lá của Liên minh phòng chống thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA), giá mặt hàng này tại Việt Nam ngày càng rẻ so với thu nhập đầu người. Chỉ số giá thuốc lá tính theo phần trăm thu nhập quốc gia đầu người giảm từ 11,4% (năm 2000) xuống còn 3,04% (năm 2019). Điều này có nghĩa là giá thuốc lá ngày càng rẻ so với thu nhập của người dân và sức mua gia tăng.
Tỷ trọng thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ chiếm 38,8%, thấp hơn so với các quốc gia có thu nhập trung bình (59%), bằng một nửa của hầu hết nước ASEAN như Thái Lan, Singapore, Indonesia. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới khuyến cáo tỷ trọng thuế thuốc lá trên giá bán lẻ phải đạt từ 75% mới thực sự tác động giảm tiêu dùng.
Hai tổ chức này cũng nhận định giá và thuế là một trong những chính sách quan trọng nhất để kiểm soát tiêu dùng thuốc lá, vai trò 50% trong giảm hút thuốc. Phần còn lại là tác động từ các biện pháp như thực thi môi trường không khói thuốc, in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh, truyền thông tác hại, cấm quảng cáo thuốc lá và hỗ trợ cai nghiện.
Theo WHO, trung bình giá thuốc lá tăng 10% sẽ làm giảm khoảng 4% tỷ lệ sử dụng thuốc lá tại các nước có thu nhập cao và 5% tại các nước có thu nhập trung bình/thấp. Bà Pratt nhìn nhận Việt Nam đang đối mặt với một số quyết định quan trọng là làm thế nào để bảo vệ người dân tốt nhất, đặc biệt là những người trẻ tuổi khỏi tác hại của thuốc lá. Một trong những cách hiệu quả nhất để đạt mục tiêu này là tăng giá thuốc lá thông qua việc tăng thuế.
Còn ông Sơn dẫn chứng các nước nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc đã có xu hướng chuyển dịch từ thuế tỷ lệ sang thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp. Trên thế giới, số lượng quốc gia áp dụng thuế tỷ lệ ngày càng giảm và có xu hướng chuyển đổi sang hệ thống thuế tuyệt đối hoặc thuế hỗn hợp (tính cả thuế tỷ lệ và thuế tuyệt đối).
Thuế tuyệt đối áp dụng một mức thuế đồng nhất trên tất cả bao thuốc lá, qua đó giảm chênh lệch giá giữa các nhãn hiệu cao cấp và thấp cấp, giảm khả năng người hút thuốc chuyển sang các nhãn hiệu rẻ hơn, hỗ trợ tác động của chính sách thuế tới sức khỏe cộng đồng tốt hơn. Cách đánh thuế này cũng giảm sản phẩm thuốc lá giá rẻ, từ đó giúp giảm sự tiếp cận và sử dụng của thanh thiếu niên.
Theo phân tích của các chuyên gia, thuế tuyệt đối có xu hướng dẫn đến tăng giá cao hơn, do đó đem lại tác động sức khỏe tốt hơn. Ngoài ra, cách đánh thuế này dễ quản lý và dễ dự đoán về mức thu ngân sách, từ đó hỗ trợ thu thuế và tuân thủ thuế. Thuế tuyệt đối cũng ít chịu sự thao túng giá của nhà sản xuất, giảm nguy cơ chuyển giá giữa nhà sản xuất và công ty phân phối, dẫn đến các dòng doanh thu thuế ổn định và dễ đoán hơn.
Theo báo cáo của WHO, số quốc gia áp dụng thuế theo tỷ lệ đã giảm từ 57 (năm 2008) còn 42 vào năm 2018. Trong khi đó, số quốc gia áp dụng thuế hỗn hợp tăng từ 48 (năm 2008) lên 63 vào năm 2018. Số quốc gia áp dụng thuế tuyệt đối cũng tăng.
Tại Đông Nam Á, đa số quốc gia cũng đang áp thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp. Hiện có 6 nước áp dụng hệ thống thuế tuyệt đối (Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Myanmar); Lào, Thái Lan áp dụng thuế hỗn hợp; hai quốc gia áp dụng thuế theo tỷ lệ là Việt Nam và Campuchia.
Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết Việt Nam không phải là nước phát triển nhưng tỷ lệ người hút thuốc lá đứng thứ 15 trên thế giới. Ước tính người dân bỏ ra 49.000 tỷ đồng/năm để mua thuốc lá. Trong khi đó, chi phí điều trị 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra chiếm 1% GPD, con số chung trên toàn cầu là 1-2%.
Lê Nga