Ông Khánh 60 tuổi, ung thư phổi điều trị bằng liệu pháp miễn dịch, giá hơn 60 triệu đồng một lọ thuốc. Phác đồ điều trị mỗi lần sử dụng hai lọ, truyền ba tuần một lần và kéo dài 1-2 năm hoặc hơn tùy thuộc vào mức độ đáp ứng thuốc. Như vậy, trung bình mỗi lần dùng thuốc miễn dịch ông chi phí hơn 100 triệu đồng, chưa kể nhiều khoản khác. Chi phí cho thuốc không được bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán, ông Khánh tự chi trả. Ba tháng sau ông kiệt quệ tiền nên dừng uống.
"Bác sĩ nói liệu pháp miễn dịch là tốt nhất cho bệnh của tôi, song thuốc quá đắt, gia đình không kham nổi", ông Khánh cho biết, thêm rằng lựa chọn phương pháp khác ít tiền hơn, chấp nhận bệnh tình không tốt.
Không có điều kiện để cố mua thuốc tốt như ông Khánh, bà Lan ở Bắc Ninh, từ chối ngay khi bác sĩ tư vấn dùng thuốc này vì "không có tiền". Bà làm nông, bị ung thư gan, chấp nhận "xin về" chăm sóc giảm nhẹ ở tuyến tỉnh, với hy vọng kéo dài sự sống thêm vài tháng.
Liệu pháp miễn dịch được các bác sĩ đưa vào điều trị ung thư tại Việt Nam 5 năm, đến nay chưa được đưa vào danh mục thuốc được BHYT chi trả. Trong khi đó, thuốc này rất đắt đỏ, nhiều người không đủ khả năng mua, như ông Khánh hay bà Lan, nên khó tiếp cận với thuốc.
Ngày 8/8, bác sĩ Phạm Thị Tuyết Nhung, khoa Huyết học lâm sàng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết khi tiếp nhận một bệnh nhân ung thư, bác sĩ đưa ra các phác đồ điều trị để bệnh nhân lựa chọn phù hợp với khả năng chi trả. Các phác đồ điều trị phổ biến hiện nay gồm liệu pháp miễn dịch, thuốc trúng đích, truyền hóa chất, chăm sóc giảm nhẹ.
Đa số thuốc điều trị ung thư cổ điển, truyền thống như truyền hóa chất, hiện được BHYT chi trả. Tuy nhiên các thuốc này mức độ hiệu quả hạn chế, nhiều tác dụng phụ. Những năm gần đây, các liệu pháp mới như điều trị đích, miễn dịch ra đời mang lại nhiều hy vọng như chữa khỏi cho bệnh nhân ở giai đoạn sớm, giúp người bệnh giai đoạn di căn có cơ hội kéo dài sự sống. Thế nhưng, cái khó là thuốc miễn dịch chưa được BHYT thanh toán. Chỉ khoảng 10% bệnh nhân ung thư được tiếp cận liệu pháp này, do giá thuốc quá đắt đỏ, theo bác sĩ Nhung.
"Nhiều bệnh nhân của tôi bán nhà bán đất, cố gắng dùng thuốc tốt, điều trị được vài đợt thì hết tiền phải dừng, bỏ dở vì không thể xoay xở được", bác sĩ Nhung nói, thêm rằng bà rất tiếc nhưng phải chấp nhận thay đổi phác đồ điều trị khác cho bệnh nhân.
Khảo sát năm 2015 do Viện Nghiên cứu Sức khỏe toàn cầu George thực hiện tại 8 quốc gia với gần 10.000 bệnh nhân ung thư, 20% trong số đó ở Việt Nam, cho thấy 55% bệnh nhân gặp thảm họa tài chính và tử vong trong vòng một năm sau khi phát hiện bệnh. Sau 12 tháng điều trị, 66% người bệnh phải đi vay tiền chữa tiếp tục, 34% không đủ tiền mua thuốc, 24% khánh kiệt kinh tế gia đình.
Mức đóng BHYT hiện tại là 4,5% lương cơ sở. Các hạng mục được BHYT chi trả là phí khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, chăm sóc thai sản định kỳ và sinh con. Các dịch vụ sàng lọc sơ sinh, chẩn đoán sớm một số bệnh ung thư, khám sức khỏe định kỳ hoặc tại nhà... chưa được thanh toán. Nhiều loại thuốc, trong đó có một số thuốc điều trị ung thư hiệu quả cao, vẫn chưa được bảo hiểm chi trả. Nhiều bệnh nhân nghèo bị vuột cơ hội điều trị, do chi phí cho các loại thuốc lên tới hàng trăm triệu đồng.
Một chuyên gia ngành dược cho biết, đúng quy trình, sau khi được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, các thuốc mới cần được đưa vào danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán BHYT. Từ đó, thuốc được đưa vào các đợt đấu thầu của bệnh viện, người bệnh mới có cơ hội tiếp cận thông qua sử dụng BHYT.
Thế nhưng từ năm 2018 đến nay, danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT chưa được cập nhật, bổ sung các thuốc mới một cách tổng thể. Ở một số nước, quy trình cập nhật này tương đối nhanh chóng. Ví dụ thời gian trung bình kể từ khi được cấp giấy đăng ký lưu hành đến khi thuốc được cập nhật vào danh mục BHYT chi trả ở Nhật là ba tháng, Anh và Pháp là 15 tháng, Hàn Quốc 18 tháng.
Quy trình xem xét, phê duyệt thuốc cho các bệnh hiếm, thuốc ung thư, kháng sinh thế hệ mới, thuốc sinh học hoặc liều phối hợp cố định được kê đơn và do BHYT chi trả gặp nhiều thách thức và hạn chế. Góp ý cho Dự án Luật bảo hiểm y tế sửa đổi đang được Bộ Y tế xây dựng, bà Tống Thị Song Hương, nguyên Vụ trưởng BHYT, nhìn nhận hiện nay có rất nhiều thuốc mới được đánh giá có hiệu quả về lâm sàng, tài chính, tuy nhiên danh mục thuốc được BHYT chi trả chậm cập nhật.
"Vấn đề là chúng ta có đưa các thuốc mới vào danh mục được BHYT chi trả hay không? Nếu không đưa thì người dân không được tiếp cận thuốc mới, thuốc tốt và phải mua thuốc bên ngoài", bà Hương nói.
Để giải quyết bài toán cân đối quỹ BHYT khi đưa thuốc mới vào danh mục, bà Hương đề xuất dự án luật định mức trần thanh toán. Như vậy, ai tham gia BHYT cũng được hưởng quyền ở mức cơ bản. Nếu muốn hưởng, sử dụng dịch vụ, thuốc cao hơn thì phải chi trả thêm.
Các chuyên gia cũng đề nghị danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán BHYT cần được cập nhật, bổ sung thuốc mới một cách tổng thể, sớm nhất và có cơ chế cập nhật định kỳ một năm một lần. Danh mục này nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân, giảm gánh nặng tài chính do chi tiêu tiền túi cho điều trị y tế và đa dạng hóa lựa chọn phương pháp điều trị cho y bác sĩ.
Bộ Y tế đang sửa đổi bổ sung, cập nhật danh mục thuốc, vật tư y tế, thuốc y học cổ truyền, nhằm đảm bảo quyền lợi và mức hưởng của người có thẻ BHYT. Như vậy, tương lai gần, nếu thuốc đặc trị ung thư được BHYT chi trả, bác sĩ sử dụng các liệu pháp tốt nhất để điều trị, bệnh nhân như ông Khánh, bà Lan có cơ hội tiếp cận các loại thuốc tiên tiến và hiệu quả nhất sẽ tăng cơ hội sống sau điều trị, theo bác sĩ Nhung.
Lê Nga