Báo cáo thị trường mặt bằng bán lẻ TP HCM của JLL cho biết, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư rơi vào quý II tác động mạnh đến giá thuê mặt bằng tại các trung tâm mua sắm.
Sài Gòn bắt đầu giãn cách xã hội từ ngày 30/5, trong đó các trung tâm bán lẻ ngừng phần lớn hoạt động, ngoại trừ các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được phép mở cửa. Tương tự thời điểm làn sóng dịch bùng phát hồi quý II/2020, hầu hết trung tâm thương mại có chủ trương miễn giảm tiền thuê cho khách hàng, áp dụng cho giai đoạn giãn cách toàn xã hội trong suốt tháng 6.
Giá thuê trung bình toàn thị trường mặt bằng bán lẻ (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và phí quản lý) giảm 8,3% so với quý trước. Các mặt bằng bán lẻ nằm ở khu vực trung tâm ghi nhận 70,4 USD mỗi m2 một tháng, tương đương với 1,62 triệu đồng trong khi khu vực ngoài trung tâm giá thuê 31,7 USD mỗi m2 một tháng, tương đương với 730.000 đồng. Dù đã hoàn thành xây dựng, một số trung tâm thương mại tiếp tục trì hoãn kế hoạch khai trương do ảnh hưởng của Covid-19.
JLL đánh giá, tương lai của thị trường bán lẻ TP HCM phụ thuộc rất nhiều vào kết quả kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tới. Bức tranh thị trường đang xuất hiện gam màu tối do diễn biến khó lường của đại dịch. Các nhãn hàng nội địa sẽ tiếp tục gánh chịu nhiều tổn thất nhất và khó lòng trụ vững nếu dịch bệnh kéo dài do áp lực tài chính lớn và đầu ra phụ thuộc chủ yếu vào nhu cầu nội địa.
Với các thương hiệu nước ngoài, mặc dù có thể vẫn tiếp tục kế hoạch dài hạn nhưng sẽ hạn chế hoặc trì hoãn các dự án mở rộng trong ngắn hạn. Điều này sẽ tiếp tục dẫn tới sự trì hoãn trong kế hoạch khai trương các trung tâm bán lẻ mới trong năm 2021 bao gồm trung tâm thương mại Socar Mall và các trung tâm thương mại ở khối đế các dự án hỗn hợp do không đạt được tỷ lệ lấp đầy yêu cầu.
Đối với các trung tâm thương mại hiện hữu, trong 6 tháng tới, một số chủ nhà dự kiến sẽ có những đợt cơ cấu và phân hóa khách thuê mặt bằng. Trong khi đó, giá thuê thực tế nhiều khả năng tiếp tục giảm do chính sách miễn giảm tiền thuê tiếp tục áp dụng trong bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài nếu đại dịch chưa được kiểm soát.
Trong khi đó, báo cáo thị trường văn phòng cho thuê TP HCM của Savills cũng cho biết, 3 tháng qua, giá thuê bình quân toàn thị trường văn phòng điều chỉnh về vùng 31 USD mỗi m2 một tháng, giảm 4% do tác động của Covid-19.
Một số dự án nằm ở khu vực ngoài trung tâm thậm chí còn miễn 2 tháng tiền thuê văn phòng để hút khách mùa dịch. Ngay cả các cao ốc hạng A, nhóm văn phòng nhắm đến đối tượng khách thuê V.I.P với khả năng tài chính tốt, cũng ghi nhận giá thuê giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Công suất cho thuê toàn thị trường cũng trên đà giảm.
Các giao dịch trong 6 tháng đầu năm chủ yếu đến từ các tòa tháp hạng B, phân khúc có giá thuê khá cạnh tranh so với cao ốc hạng A, vị trí nằm ở khu vực ngoại thành nhưng kết nối tốt về khu trung tâm.
Nửa đầu năm nay, khách thuê thuộc nhóm ngành dịch vụ cung cấp chiếm 36% diện tích đã thuê, công nghệ thông tin chiếm 21%, vận tải và logistics chiếm 9%. Nhu cầu văn phòng từ các khách thuê mảng thương mại điện tử và công nghệ tài chính (fintech) tiếp tục gia tăng do đặc thù các ngành này phát triển mạnh trong đại dịch.
Khoảng 70% các giao dịch thuê trong 6 tháng đầu năm có diện tích dưới 300 m2, đến từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các tòa nhà hạng B gia nhập thị trường trong 12 tháng qua tại khu vực ngoài trung tâm có giá thuê cạnh tranh so với các tòa nhà cũ và nhờ đó đạt công suất trung bình khoảng 50%.
Sự chuyển dịch nguồn cung ra ngoài khu vực trung tâm tiếp tục diễn ra mạnh mẽ khi nguồn cung ngoài trung tâm tăng 22% theo năm, trong khi nguồn cung khu vực trung tâm chỉ tăng 1% theo năm.
Tổng nguồn cung văn phòng toàn TP HCM đạt gần 2,4 triệu m2 sàn, trong đó, nguồn cung mới trong quý II chiếm 19.000 m2 đến từ hai dự án hạng B ở Bình Thạnh và quận 7, với quy mô nhỏ.
Savills dự báo, đến năm 2024, có khoảng 60% nguồn cung văn phòng cho thuê mới tại TP HCM sẽ nằm ở khu vực ngoài trung tâm.
Trung Tín