Trong báo cáo mới đây, hãng dịch vụ bất động sản Savills cho biết các thương hiệu mới gặp thách thức khi tìm kiếm mặt bằng tại các trung tâm thương mại ở Hà Nội bởi giá thuê liên tục tăng.
Trong quý II, giá thuê gộp tầng trệt đã tăng 2% theo quý và 13% theo năm. Cụ thể, giá thuê trung tâm thương mại ở khu vực trung tâm đã tăng từ 3,1 triệu đồng lên 3,4 triệu một m2 mỗi tháng. Trong khi các trung tâm bách hóa cho thuê với giá 2 triệu đồng mỗi m2 một tháng.
Giá thuê tăng cũng tạo áp lực lên tỷ lệ lấp đầy mặt bằng. Quý II, công suất thuê mặt bằng bán lẻ có xu hướng giảm 3% theo quý và 2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 84%. Riêng phân khúc trung tâm thương mại giảm 4% còn các trung tâm bách hóa duy trì ổn định. Diện tích cho thuê cũng sụt giảm gần 50.000 m2.
Tương tự, đơn vị nghiên cứu Avison Young cho biết tỷ lệ lấp đầy mặt bằng bán lẻ cả khu vực trung tâm và ngoài trung tâm giảm nhẹ, lần lượt 3% và 1%. Diễn biến này trái ngược với đà tăng giá thuê. Bởi giá thuê trung bình tăng 3% theo quý tại khu vực trung tâm và 15% ở vùng ven.
Phân khúc khối đế bán lẻ được Avison Young ghi nhận tăng giá thuê cao nhất, lên đến 15%. Một vài dự án điều chỉnh giá thuê theo tháng, như Handio Tower (Nam Từ Liêm) từ 28 lên 35 USD một m2 hay BRG 16 Láng Hạ (Ba Đình) từ 40 lên 45 USD mỗi m2. Điều này thúc đẩy khách thuê di chuyển sang mặt bằng bán lẻ khu vực vùng ven để có không gian rộng, giá rẻ hơn so với diện tích hẹp ở trung tâm.
Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao bộ phận Cho thuê thương mại Savills Hà Nội, cho biết công suất thuê sụt giảm do nhiều trung tâm thương mại trong quá trình cải tạo, tái định vị thương hiệu. Trong khi mặt bằng khối đế tòa chung cư khó hấp dẫn khách thuê trong lĩnh vực thời trang, mỹ phẩm, nhà hàng bởi nhược điểm không gian thường vướng nhiều cột, lối thang máy chung. Còn các trung tâm thương mại lớn đã phân bổ kỹ không gian theo nhu cầu khách thuê, tạo môi trường mua sắm thu hút hơn.
Để cải thiện tình trạng bỏ trống mặt bằng, bà Minh khuyến nghị các chủ đầu tư cần xây dựng danh mục khách thuê bài bản, đảm bảo cân bằng giữa các nhóm mua sắm tiêu dùng, vui chơi giải trí... Họ cũng cần nghiên cứu kỹ nhân khẩu học ở từng khu vực để có phương án cho thuê tối ưu, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Về phía đơn vị quản lý vận hành, họ cần chú trọng đến dịch vụ quản lý, các chương trình quảng cáo, hỗ trợ giá cũng như hoạt động vui chơi giải trí nhằm kích cầu khách hàng đến trung tâm thương mại.
Thời gian tới, Savills dự báo nguồn cung mặt bằng bán lẻ duy trì tăng trưởng. Trong 5 năm qua, nguồn cung ở Hà Nội đã tăng trung bình 3% một năm và tiếp tục tăng 4% trong quý II vừa qua. Đến năm 2026, nguồn cung mới sẽ dồi dào hơn với 6 trung tâm mua sắm và 11 khối đế bán lẻ bổ sung mới. Các trung tâm này sẽ chiếm gần 70% nguồn cung, còn khối đế bán lẻ hơn 30%. Nguồn cung mới tập trung ở các quận Tây Hồ, Đống Đa, Hoàng Mai...
Avison Young cũng dự báo tỷ lệ lấp đầy mặt bằng bán lẻ có thể tăng trưởng tích cực ở nửa cuối năm nay, đạt hơn 90%. Điều này được hỗ trợ bởi đà phục hồi mạnh mẽ của ngành bán lẻ. Nửa đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước ước đạt trên 3 triệu tỷ đồng, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm trước, theo Tổng cục Thống kê.
Ngọc Diễm