Theo ghi nhận của VnExpress, giá bán mỗi kg thịt heo đông lạnh nhập khẩu tại các siêu thị, cửa hàng dao động 60.000-90.000 đồng một kg, tuỳ loại thịt ba rọi, sườn non... Mức giá này đắt gấp rưỡi giá nhập khẩu (giá khai báo hải quan) và thấp hơn một nửa so với giá thịt tươi trong nước. Chẳng hạn, mỗi kg ba rọi heo (thịt nóng) tại các chợ hiện dao động 130.000-140.000 đồng; sườn thăn 140.000-150.000 đồng; chân giò 150.000 đồng...
Thời gian qua, cả lượng và giá thịt heo nhập khẩu về Việt Nam đều giảm. Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính riêng tháng 7 (tháng 8 chưa có thống kê), Việt Nam nhập hơn 10.000 tấn thịt heo tươi ướp lạnh, đông lạnh, trị giá gần 21,6 triệu USD. Lượng nhập khẩu và giá nhập (giá khai báo hải quan) đều giảm so với cùng kỳ 2021, lần lượt là 31,2% và 36,8%. Bình quân mỗi tấn thịt heo đông lạnh nhập khẩu có giá 2.153 USD một tấn, tương đương trên 50.000 đồng mỗi kg.
Lũy kế 7 tháng đầu năm nay, lượng thịt heo được nhập về hơn 55.200 tấn, trị giá hơn 117 triệu USD. Mức này giảm trên 40% về lượng và gần một nửa giá so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường nhập khẩu thịt chính của Việt Nam là Nga (26,7%), Brazil (37,5%), Đức (15,5%), Canada (10,2%)...
Theo Cục Xuất nhập khẩu, thịt heo nhập khẩu giảm lượng nhập về do nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này chững lại, trong khi đàn heo trong nước phục hồi, giá heo trong nước đã dần ở mức hợp lý.
Sức tiêu thụ thịt nhập khẩu yếu còn do thói quen ưa thích dùng thịt "nóng" (loại thịt vừa giết mổ, được bày bán tại chợ, siêu thị) của người Việt.
Mặt khác, theo kết quả khảo sát của các hãng nghiên cứu thị trường thì người Việt có xu hướng ăn thịt heo ít hơn. Theo đó, thống kê của Ipos, hãng nghiên cứu thị trường đa quốc gia có trụ sở tại Pháp, lượng thịt heo người Việt tiêu thụ trong một năm từ 30 kg giảm về còn 23,5 kg vào tháng 4 năm nay.
Số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng cho thấy, mỗi người Việt chỉ tiêu thụ dưới 26 kg thịt heo mỗi năm, giảm 4-5 kg một năm so với trước đại dịch.