TS Vũ Thành Ca, Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ (Tổng cục Biển và hải đảo) cho biết, thống kê chưa đầy đủ từ đầu năm đến nay có hơn 30 vụ cá biển chết hàng loạt trên thế giới, chủ yếu liên quan đến môi trường biển. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này, như: sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ, rò rỉ chất ô nhiễm, bùng phát của tảo độc do phú dưỡng, cạn kiệt ôxy do phân hủy chất hữu cơ trong tầng nước sâu, dịch bệnh do vi trùng, virus hoặc ký sinh trùng...
Đối với khu vực biển không sâu, chất ô nhiễm hữu cơ được thải ra từ bờ sẽ không được pha loãng nhanh. Nếu nhiệt độ nước biển tăng mạnh, quá trình phân hủy chất hữu cơ sẽ diễn ra nhanh, lượng tiêu thụ ôxy sẽ lớn. Sự đốt nóng bề mặt sẽ tạo ra sự phân tầng mật độ nước biển rất mạnh, nếu gió không mạnh, sóng mặt không đủ để tạo ra sự xáo trộn nước, sẽ khiến nước ở các tầng dưới mặt bị cạn kiệt ôxy, làm chết cá.
Cá biển khu vực gần bờ Bắc Trung Bộ chết vào ngày từ 14 đến 18/4 là những ngày nắng nóng và biển khá lặng nên gió từ bờ thổi ra biển không đủ tạo ra sự xáo trộn mạnh mẽ của nước biển. "Vì vậy, lý do khiến cá biển chết hàng loạt có thể là do nước thải từ bờ đã phân hủy mạnh, gây nên cạn kiệt ôxy trong các tầng nước dưới mặt", ông Ca nói.
Cùng quan điểm trên, nhưng tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, từng làm việc ở Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ rõ hơn nguồn chất thải khiến môi trường biển bị biến động đột ngột khả năng cao có nguồn gốc từ khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh). "Chất độc theo dòng nước tràn ra biển, sau đó theo dòng hải lưu lan sang vùng biển khác", ông Dũng nói và cho biết đây lần đầu Việt Nam ghi nhận trường hợp cá lớn ở tầng sâu chết nhiều như vậy.
Theo chuyên gia thủy sản Bùi Quang Tề, thông thường môi trường biển ô nhiễm khiến tảo "nở hoa", lấy hết ôxy khiến cá chết. Nhưng ở vùng biển miền Trung tảo thậm chí không thể phát triển thì chứng tỏ mức độ ô nhiễm quá trầm trọng. Năm 2001-2002 ở vùng biển Ninh Thuận và Bình Thuận từng có hiện tượng thủy triều đỏ, còn gọi là tảo "nở hoa" do ô nhiễm trong phạm vi dài 25 km và rộng 5 km khiến cá, tôm nuôi lồng bè chết hàng loạt. Sau đó hàng loạt vùng biển khác cũng có hiện tượng này.
Trong khi đó, một chuyên gia về tài nguyên biển khuyến cáo đơn vị chức năng cần xem trong cá có xyanua không. Đây là chất chất độc được sử dụng làm phương tiện đánh bắt bằng cách tác động lên hệ thần kinh của cá và như liều thuốc an thần khiến việc đánh bắt dễ dàng hơn. Trước đây Philippines từng yêu cầu Trung Quốc không được đánh bắt cá bằng việc sử dụng chất này.
"Với kinh nghiệm của tôi, cá ở rặng đá, san hô rất khỏe và tôi nghĩ chất độc như xyanua đã khiến chúng chết", ông nói.
Một vài nguyên nhân khác được các nhà khoa học đưa ra như chất thải từ giàn khoan mà trước đây Trung Quốc từng đặt ở cửa vịnh.
Dù đưa ra nhiều giả thiết về nguyên nhân cá chết, nhưng các chuyên gia thủy sản, môi trường biển vẫn cho rằng để vụ việc được làm rõ, giới chức cần lấy mẫu nước ở các tầng tại nhiều địa điểm và phân tích, xác định mức độ, thành phần chất gây ô nhiễm. Ngoài ra, lực lượng chức năng phải kiểm tra cơ sở sản xuất, trung tâm dân sinh trên bờ có khả năng xả thải, gây ô nhiễm nước biển.
Hiện tượng cá chết lần đầu tiên được ghi nhận ở các lồng bè nuôi trên biển, gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vào đầu tháng tư. Sau đó cá biển tự nhiên, cá nuôi lồng bè và cá hồ ven biển của Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đồng loạt chết. Mỗi ngày, ngư dân xã ven biển thu gom được hàng tấn cá chết, mỗi con trọng lượng từ vài lạng tới 50 kg.
Không ăn cá chết Trong khi chờ kết quả xác định nguyên nhân làm hải sản chết bất thường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo người dân miền Trung không được sử dụng cá chết làm thực phẩm dưới mọi hình thức. Bộ cũng yêu cầu địa phương khẩn trương thu gom cá chết và tiêu hủy theo quy định để hạn chế ô nhiễm môi trường; tổ chức tuyên truyền người dân không hoang mang, hướng dẫn phân biệt cá chết bất thường với cá khai thác trên biển và cá nuôi. Bộ cũng yêu cầu các địa phương phối hợp các cơ quan chuyên môn lấy mẫu, xác định nguyên nhân cá chết, đề xuất giải pháp khắc phục. |
Phạm Hương