Bé gái ở xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, Phú Thọ, nhiễm HIV trong khi bố mẹ và anh trai của bé âm tính. Câu hỏi là "tại sao bé lây nhiễm HIV" đang được các chuyên gia y tế tìm hiểu.
Một chuyên gia Bộ Y tế cho biết đã điều tra dịch tễ về trường hợp này. Thực tế cho thấy bé có tiếp cận với hai người nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS mà chính họ cũng không biết mình mắc bệnh. Có thời gian người phụ nữ nhiễm HIV bị sùi da, ngứa và nhờ bé gãi. Bé còn có người họ hàng gần cũng mắc HIV.
Ngoài ra, người dân xã Kim Thượng có tập quán nhai mớm cơm cho trẻ. Theo chuyên gia Bộ Y tế, nguy cơ lây nhiễm HIV cao nhất là ở giai đoạn đầu nhiễm bệnh và giai đoạn cuối của AIDS. Khi ấy nồng độ virus trong máu cao, nguy cơ lây truyền càng dễ hơn. Những người bệnh không biết mình nhiễm HIV nên có thể có nhiều hành vi nguy cơ trong sinh hoạt hằng ngày. Ở đây, có thể người bị HIV đã nhai cơm và mớm cho bé khi họ đang có vết loét trong miệng, khiến virus từ dịch tiết của người này dễ dàng xâm nhập vào cơ thể em bé. Tuy nhiên khả năng lây nhiễm này rất thấp.
Bé từng đi tiêm ở phòng khám của y sĩ địa phương. Tuy nhiên, "việc có hay không sự liên quan giữa y sĩ làm lây truyền HIV còn phải tiếp tục điều tra", chuyên gia này nói. Ông khẳng định bé bị lây bệnh qua đường máu, có thể do tiếp xúc máu, dịch người nhiễm, vật dụng dính máu của người nhiễm hoặc tiêm chích vật dụng đã nhiễm HIV...
Bé gái này là một trong 42 người ở xã Kim Thượng được phát hiện nhiễm HIV hiện nay. Nhiều người dân xã hoang mang, cho rằng bị nhiễm HIV do khám chữa bệnh dùng chung kim tiêm ở nhà một y sĩ. Y sĩ này đã khẳng định mình không dùng chung kim tiêm cho các bệnh nhân. Các cơ quan chức năng vẫn đang điều tra, tìm hiểu nguyên nhân lây nhiễm bệnh. Bộ Y tế yêu cầu tỉnh Phú Thọ mở rộng xét nghiệm cho người dân.
Có nhiều con đường lây truyền HIV như đường máu, tình dục, mẹ truyền sang con, ma túy, kim tiêm... Thời gian người bệnh HIV chuyển sang giai đoạn AIDS thường phải mất rất nhiều năm.