Chuyên gia người Anh Julian Spalding gọi nơi đây là "thánh địa trên những trụ đá" và nhận định giới khoa học lâu nay có thể mắc sai lầm cơ bản về vòng đá bí ẩn. Theo ông, lâu nay chúng ta chỉ tìm hiểu mục đích của Stonehenge từ góc nhìn hiện đại, xem xét xung quanh mà không hướng về bầu trời, theo cái nhìn của con người cổ đại.
"Các kiến trúc như đền thờ cổ với cột đá hình chữ T Göbekli Tepe ở Thổ Nhĩ Kỳ, hình vẽ bí ẩn Nazca ở Peru tọa lạc trên một nền đất cao hơn hẳn các ngôi làng xung quanh, hay những nơi thờ tự cổ xưa khác Trung Quốc cho thấy rằng người dựng nên Stonehenge thời ấy sẽ không bao giờ thực hiện nghi lễ tôn nghiêm trên mặt đất thấp kém. Điều đó xúc phạm những đấng tối cao", chuyên gia này tranh luận. Thời xa xưa, quan niệm Trái Đất là một mặt phẳng là lý do các nghi lễ tôn giáo gắn liền với sự vận động hình tròn.
Spalding tin rằng các phiến đá khổng lồ trước đây là trụ đỡ cho một sàn gỗ tròn to lớn. Người cổ đại đi lên bục sàn bằng tấm ván nghiêng lớn hay các bậc thang. Sàn gỗ bên trên có thể bao gồm một vành đai ngoài, nơi người hành hương được phép di chuyển xung quanh và bên trong dành riêng cho pháp sư và giới thống trị. Nghi thức thực hiện với các tín đồ cùng quay về hướng chòm sao được tôn thờ trong buổi lễ.
Một số bằng chứng được các nhà khảo cổ đưa ra năm ngoái cho rằng Stonehenge trước đây có hình vòng tròn khép kín. Cách bãi đá Stonehenge 900 m, các chuyên gia phát hiện các vòng tròn cổ đại bằng gỗ được cho là bản sao của Stonehenge. Spalding nhận định những cây cột đó có thể dùng để dựng sàn, cầu thang hay đường dốc dẫn lên mặt sàn mà ông nói đến.
Dù thừa nhận đưa ra ý kiến này khi chưa có bằng chứng cụ thể là táo bạo, Spalding nhấn mạnh lý giải của ông không hề mâu thuẫn với các bằng chứng khảo cổ cho đến nay. Dù vậy, giả thiết đã vấp phải nhiều hoài nghi từ giới nghiên cứu.
"Nhiều giả thiết về cấu trúc thượng tầng cho Stonehenge đã được đưa ra trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, chúng đều có chung hai điểm nghi vấn chủ chốt. Đầu tiên, không có bằng chứng nào rõ ràng cho thấy những phiến đá này làm bệ đỡ cho bất kỳ loại sàn gỗ hay mái nhà. Thứ hai, chính xác người cổ đại làm gì bên trên vẫn là một bí ẩn. Các phiến đá mà chúng ta thấy ngày nay thể hiện rõ vai trò quan sát bầu trời vào thời điểm đông chí, hạ chí và tạo không gian cho các nghi lễ và nghi thức xung quanh việc sử dụng các phiến đá xanh", Timothy Darvill, giáo sư khảo cổ học tại Đại học Bournemouth, Anh, bày tỏ ngờ vực trong email gửi Huffington Post.
Stonehenge ở vị trí phía bắc Salisbury, Anh. Theo các nhà khoa học, nó được xây dựng cách đây 4.000-5.000 năm và trở thành Di sản Thế giới năm 1986. Địa danh thu hút sự chú ý của giới khoa học với không ít giả thiết xuang quanh mục đích sử dụng và ai là người dựng nên.
Nhiều người cho rằng, Stonehenge là công trình do các thầy tế xây nên để thực hiện nghi lễ dịp đông chí và hạ chí. Giả thiết khác lập luận các vòm đá khổng lồ đánh dấu các điểm Mặt Trời và Mặt Trăng lên ở đường chân trời, từ đó xác định nhật thực, nguyệt thực. Theo một số ý kiến khác, người khổng lồ hoặc người ngoài hành tinh có liên quan đến vòng đá cổ.
Thu Hiền