![]() |
Một cửa hàng Uniqlo của Fast Retailing. Ảnh: Daylife. |
Hai công ty Nhật Bản chứng tỏ khả năng tận dụng cơ hội trong thời buổi kinh tế khó khăn là Fast Retailing, sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ các sản phẩm may mặc Uniqlo và Nitori, nhà bán lẻ sản phẩm nội thất. Cả hai công ty này đều thích nghi tốt với hiện tượng tiết giảm chi tiêu của phần đông người tiêu dùng. Họ sản xuất những sản phẩm rẻ tiền nhưng chất lượng lại cao hơn, làm cho khách hàng cảm thấy yên tâm với đồng tiền bỏ ra.
Kể từ năm 2006, nhà sản xuất và phân phối đồ may mặc Fast Retailing bắt đầu hợp tác với nhà sản xuất sợi vải Toray Industries nhằm cho ra những sản phẩm chất lượng cao, thu hút người tiêu dùng. Heat-Tech - quần dành cho phụ nữ - được sản xuất trên công nghệ mới, giúp chống vi khuẩn và có chức năng giữ hơi ấm, đồng thời nhẹ hơn các loại vải bình thường. Dòng sản phẩm này đạt doanh thu kỷ lục trong mùa thu đông vừa rồi và luôn luôn trong tình trạng cháy hàng tại các cửa hiệu của Fast. Công ty hy vọng sẽ bán được 28 triệu quần Heat-Tech trong mùa thu đông năm nay.
Một sản phẩm chất lượng cao khác là loại vải dành cho giặt máy được tung ra tháng 12/2008 cũng nhanh chóng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng. Loại vải này không bị giãn kể cả sau quá trình dài giặt bằng máy. Tadashi Yanai, Chủ tịch kiêm CEO của công ty, tự tin nói: “Chúng tôi đã dành rất nhiều năm nghiên cứu phát triển công nghệ. Những sản phẩm nào không bỏ công sức đầu tư thì không thể thành công được.”
Còn Nitori, nhà cung cấp đồ nội thất với 184 cửa hàng khắp nước Nhật, đã quyết định giảm giá 20% cho 1.000 loại sản phẩm từ tháng 5 đến tháng 11/2008, thời điểm tất cả các loại hàng hóa khác đều đang không ngừng tăng giá. Chính sách tưởng như ngược đời này cuối cùng đã mang lại kết quả xứng đáng. Trong 2008, khi hầu hết các doanh nghiệp Nhật rơi vào cảnh khó khăn, Nitori vẫn đánh dấu năm thứ 22 liên tiếp tăng trưởng cả lợi nhuận lẫn doanh thu. Năm nay, công ty có kế hoạch mở thêm 35 cửa hàng trên khắp nước Nhật. Chủ tịch công ty, ông Akio Nitori nói: “Chúng tôi tìm thấy cơ hội trong suy thoái, nhất là khi các công ty khác phải ngừng mở thêm hoặc thậm chí đóng cửa các gian hàng."
70% các sản phẩm của Nitori được thiết kế và sản xuất trong nước Nhật. Công ty đảm nhiệm hầu hết các khâu trong quá trình sản xuất, từ thu mua nguyên liệu đến phân phối. Do đó, chi phí ban đầu cho các sản phẩm của công ty này chỉ bằng 1/3 so các hãng đối thủ. Theo một lãnh đạo của Nitori, dù giảm giá 30 đến 40% thì họ vẫn có lãi.
Mùa xuân năm ngoái, Nitori bắt đầu thuê một nhà máy tại Ấn Độ sản xuất mặt hàng thảm nhà bếp. Trước đó, công ty đã phải bỏ ra 2 năm rưỡi nghiên cứu 5 nhà máy tại Ấn Độ nhằm tìm ra nơi có chi phí rẻ nhất. Kết quả mà Nitori đạt được là sản phẩm họ tung ra thị trường rẻ hơn 10% so với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc.
Thanh Bình (theo Yomiuri Shimbun)