Ngồi thất thần bên một ha thanh long đang chín đỏ, ông Trần Văn Lý (64 tuổi, TP Tân An, Long An) cho hay, vụ này ông làm thanh long nghịch mùa, chia làm hai lần xông đèn, mỗi lần 0,5 ha. Khoảng một tháng trước, ông thu hoạch vụ đầu tiên, bán với giá 37.000 - 47.000 đồng mỗi ký. Mấy hôm nay, sắp đến ngày thu hoạch thanh long, ông gọi cho thương lái quen nhưng bị từ chối, các kho khác trên địa bàn cũng lắc đầu không nhận thêm thanh long.
"Tối đa 5 bữa đến một tuần lễ nữa là trái sẽ bị nứt, hư, chắc cắt đem vô làm phân hoặc cho cá, bò ăn chứ không biết làm sao bây giờ", ông Lý nói.
Chi phí đầu tư cao, trong khi không bán được thanh long, vụ này, gia đình ông Lý thua lỗ hơn 100 triệu đồng.
Cách đó 2 km, 5.000 m2 thanh long của bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng (42 tuổi, TP Tân An, Long An) cũng đang mỏi mòn chờ thương lái đến mua. Vụ trước thương lái thu mua thanh long với giá cao, 35.000-45.000 đồng mỗi ký, bà Phượng lãi trên 100 triệu đồng. Cách đây vài hôm, họ chỉ đến trả cho bà Phượng 5.000 đồng mỗi ký, gọi bồi thường nhưng họ không nhận thanh long nữa, "do Trung Quốc không lấy hàng".
Ước tính, với diện tích này, nếu năng suất tầm 8, 9 tấn trái, gia đình bà lỗ hơn 200 triệu đồng. "Biết là đang có dịch bệnh, nhưng nhà nước làm sao uyển chuyển vừa bảo đảm tính mạng, vừa lưu thông hàng hóa cho dân đỡ", bà Phượng cho biết.
Tại vùng thanh long chuyên canh 9.000 ha, huyện Châu Thành (Long An), khoảng 1.000 ha thanh long ruột đỏ nghịch mùa đang vào vụ thu hoạch cũng đang bị đe dọa. Mọi năm, mùng 4 Tết các nhà kho thu mua đều đã hoạt động, năm nay, phần lớn các kho này đều đóng cửa im ỉm.
Một đại lý thu mua tại thị trấn Tầm Vu (Châu Thành) cho biết, thường sau Tết, mùng 3 kho này đã hoạt động. Mỗi ngày kho anh đóng ít nhất 2 container xuất khẩu.
"Do Trung Quốc đang có dịch bệnh, không thể xuất thanh long nên từ sáng mùng ba tôi cúng khai trương xong đóng cửa luôn đến giờ, hơn chục công nhân làm tại kho cũng cho nghỉ việc, chờ tình hình khả quan hơn", chủ kho nói.
Ông Huỳnh Thái Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Lục Long (Châu Thành) cho biết, xã này có 1.300 ha thanh long chủ yếu ruột đỏ, hiện khoảng 100 ha nghịch mùa đang cho trái. Xã có 18 kho thu mua, nhưng đến nay chỉ vài kho mở cửa. Nhiều ruộng trước Tết nông dân đã có hợp đồng với thương lái, nhưng do dịch bệnh nên các thương lái chấp nhận bỏ tiền cọc chứ không thu mua.
"Hiện tại thương lái địa phương thu mua thanh long vớt vát với giá 7.000 – 10.000 đồng trở lại, với giá như thế này người nông dân chắc chắn lỗ", ông Thanh cho biết.
Ông Nguyễn Văn Thình, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết, huyện này vừa hợp khẩn bàn giải pháp tiêu thụ thanh long cho người dân. Địa phương yêu cầu các kho đã nhận tiền cọc phải thu mua hết thanh long cho người dân với giá thỏa thuận, có thể hạ giá xuống so với thời điểm trước nhưng phải thu hoạch hết vườn.
"Với các diện tích chưa có hợp đồng mua bán, huyện cũng yêu cầu các kho thu mua hết thanh long đang chín, nếu kho nào chưa có tiền mua thì cho mua nợ, làm giấy cam kết, có thể nửa tháng một tháng sau trả", ông Thình nói.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Long An cho hay, tỉnh có 12.000 ha thanh long, thời điểm này đang thu hoạch nghịch mùa khoảng trên 1.000 ha, sản lượng ước đạt khoảng hơn 60.000 tấn.
Trả lời VnExpress, ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương Long An cho biết, hiện tỉnh này vẫn chưa nhận được thông tin chính thức từ Bộ Công Thương về việc dừng xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc. Sau Tết, cửa khẩu Trung Quốc theo lịch sẽ mở cửa ngày mùng 7 Tết, nhưng do dịch nCoV nên phải lùi lại đến ngày 16 âm lịch, dẫn đến tâm lý lo ngại của một số thương lái.
Tuy nhiên, tỉnh đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, nếu không xuất khẩu được, địa phương sẽ tiêu thụ nội địa, trong đó kêu gọi các doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ thanh long thu mua dự trữ.
"Trước mắt người dân không nên quá hoang mang, tránh trường hợp một số thương lái lợi dụng dịch bệnh ép giá, về lâu dài người dân nên có hợp đồng chặt chẽ với thương lái, để khi có sự cố vẫn đảm bảo được quyền lợi", ông Đức nói.
Tình hình cũng tương tự, tại Bình Thuận - "thủ phủ" thanh long. Gia đình ông Lê Quang Cẩm (Hàm Thạnh, Hàm Thuận Nam) vụ này cho chạy điện 300 trụ thanh long, sản lượng đạt 4 tấn, hy vọng sau Tết, gia đình có khoản thu nhập kha khá. Thế nhưng, hai ngày nay, gia đình ông đang cắt thanh long chín trong vườn bán với giá "bèo bọt", 4.000 đồng một ký.
Ông Cẩm nhẩm tính, một lứa thanh long làm trong ba tháng, chi phí tiền điện chong đèn, phân thuốc và công chăm sóc hết khoảng 25 triệu đồng, nhưng thanh long bán chỉ được 14 triệu, lỗ 11 triệu.
Nhà vườn cho hay, thông thường sau Tết, lượng hàng ít, giá lúc nào cũng cao, tuy nhiên, năm nay sản lượng đã thấp, còn bị mất giá. Từ mùng 2, các thương lái bắt đầu thu mua với giá 13.000 - 14.000 đồng một ký, sau đó giá bắt đầu lao dốc, chỉ còn 4.000 - 6.000 đồng một ký tại vườn.
"Các vựa thông báo với thương lái là cửa khẩu đóng, nên hàng đi không được", bà Nguyễn Thị Chín, thương lái mua thanh long ở khu vực Ba Bàu – Mương Mán nói.
Những ngày qua, nhiều vựa thu mua thanh long xuất khẩu ở hai huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc vẫn đóng cửa im lìm. Chỉ một vài vựa nhỏ mua hàng về đóng thùng bán đi các cho chợ trong nước, hoặc trữ trong kho lạnh chờ thời điểm thích hợp xuất đi.
"Hiện tại, cửa khẩu đã đóng, không ai dám mạo hiểm trữ hàng nhiều, chưa biết tới đây tình hình sẽ như thế nào", anh Tân, một chủ vựa ở huyện Hàm Thuận Nam cho biết.
Bình Thuận là nơi có diện tích thanh long lớn nhất Việt Nam với hơn 30.000 ha thanh long, sản lượng 550.000 tấn mỗi năm. Dù đã xuất đi được nhiều nước trên thế giới, hiện nay Trung Quốc vẫn là thị trường chính, tiêu thụ 75 - 80% sản lượng thanh long của tỉnh.
Ông Võ Huy Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận thông tin, sáng nay cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) vẫn đóng cửa. Các cửa khẩu khác vẫn mở, nhưng tiêu thụ không được nhiều.
Hơn 100 xe container thanh long, mỗi xe 20 tấn của Bình Thuận vẫn đang nằm chờ tại các cửa khẩu biên giới Trung Quốc. Một số cơ sở vẫn mua hàng loại đẹp để xuất khẩu qua các nước Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Canada... với giá khoảng 8.000 đồng một ký, giảm 10.000 đồng so với lúc bình thường. Tuy nhiên, lượng hàng qua các nước này không nhiều.
Hoàng Nam – Việt Quốc