Theo điểm b khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2009, bài giảng là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả.
Tại khoản đ khoản 1 Điều 20 luật này cũng quy định chỉ tác giả có quyền phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác, bao gồm cả việc cung cấp tác phẩm đến công chúng theo cách mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do họ lựa chọn.
Như vậy, quyền truyền đạt bài giảng của bạn trên mạng xã hội là quyền tài sản của bạn. Hành vi tự ý đăng video buổi dạy lên mạng cho người khác cùng xem của phụ huynh học sinh của bạn là hành vi xâm phạm quyền tác giả của bạn đối với bài giảng.
Mức xử phạt đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả trên được quy định tại Điều 17 Nghị định 131/2013, với mức phạt tiền 15-30 triệu đồng và buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm.
Trong trường hợp cảm thấy bản thân bị ảnh hưởng bởi hành vi phụ huynh tự ý đăng video dạy học của mình, bạn có thể giải quyết theo những hướng sau:
- Trao đổi trực tiếp với người đăng video của mình và yêu cầu gỡ bỏ những video đó xuống.
- Gửi đơn đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
- Khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội