Giày thể thao hiệu giảm đến 50% giá
Ngân hàng đầu tư Cowen & Co. định giá ngành công nghiệp sneaker thu 2 tỷ USD năm 2019, dự kiến tăng gấp ba vào năm 2025. Tuy nhiên, vì đại dịch Covid-19, ngành hàng này rớt giá sâu khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Hiện các tín đồ sneaker (gọi chung sneakerhead) tìm người mua trên các web bán lại như StockX, Goat và Flight Club.
Giá bán lại của Off-White x Air Jordan 5 - phiên bản đặc biệt nhất năm 2020 - giảm gần 50% tháng qua. Thiết kế ra mắt hôm 15/2, giá 224 USD (hơn 5,26 triệu đồng). Đôi sneaker này đạt mức cao nhất là 1.699 USD (gần 40 triệu đồng) hồi tháng 2, cho size 10 - kích cỡ phổ biến thường có giá bán lại cao nhất. Tuy nhiên phụ kiện liên tục giảm giá trị, còn 653 USD ( hơn 15,3 triệu) cuối tháng ba.
Theo Derek Lew - nhà sáng lập nền tảng bán lại sneaker Sole Supremacy, doanh số bán trực tuyến hai tuần qua không đổi nhưng giá trị thị trường của phần lớn hàng tồn kho giảm nhanh. Lew ước tính mức khấu hao nằm trong khoảng 10-20%.
Jesse Einhorn - chuyên gia kinh tế cao cấp của StockX - cho biết sự suy giảm không lớn, khoảng 4% trên tất cả đôi sneaker cuối tháng 3. Theo anh, thị trường sneaker ít biến động hơn chứng khoán (chỉ số S&P 500 giảm đến 25% hồi tháng 2). "Chúng tôi cũng thấy sự sụt giảm trong ngành may mặc và phụ kiện từ các thương hiệu đối tác của chúng tôi".
Thị trường sneaker phụ thuộc nhiều vào người bán lẫn mua và khi những sneakerhead tìm cách bán giày để kiếm tiền nhanh chóng, sẽ có dấu hiệu tồn hàng. Hiện ất cả cửa hàng của StockX, Goat, Stadium Goods và Flight Club đều đóng cửa.
Eddy Lu - nhà sáng lập kiêm CEO của Goat Group - cho rằng người bán và doanh nghiệp nhỏ bị tác động lớn bởi loạt cửa hàng dừng hoạt động theo lệnh cách ly tại nhà. "Họ phụ thuộc vào nền tảng của chúng tôi và trong một số trường hợp, chúng tôi là nguồn thu nhập chính của họ", ông phân tích.
Trong khi đó, một số mẫu sneaker quan trọng không ra mắt theo kế hoạch, sáu phiên bản Air Jordan bị hoãn trong hai tuần qua, gồm cả dòng Dior x Air Jordan 1 được tín đồ quan tâm. Theo các chuyên gia, sản phẩm mới không được tung ra thì hoạt động của thị trường sau khi phát hành (aftermarket) sẽ bị ảnh hưởng.
Thị trường bán lại phát triển
Bán lại sneaker được xem là kênh phân phối tiềm năng cho các thương hiệu và nhà bán lẻ. Tháng 2/2019, Foot Locker đầu tư 100 triệu USD vào Goat, còn Farfetch mua lại Stadium Goods với giá 250 triệu USD hồi tháng 12. Các tập đoàn Nike và Adidas cũng tung sản phẩm trực tiếp trên các trang này, cho thấy giá trị mà một nền tảng bán lại có thể đem đến cho đối tác thương hiệu của họ.
Tháng 4 năm ngoái, Goat là đối tác độc quyền cho sự kiện ra mắt đôi sneaker Chain Reaction của Versace, được thiết kế bởi Salehe Bembury. Tháng 10 cùng năm, Adidas tung 333 đôi Campus 80s MakerLab lên sàn đấu giá StockX.
Các chuyên gia cho rằng việc mua những món đồ theo phong trào (hype) dần ít được ưu tiên là lẽ tự nhiên. Chana Baram - nhà phân tích bán lẻ cao cấp tại Mintel - cho biết: "Mọi người dần ít mua các món thời trang. Chỉ một số ít định mua những đôi trainer hoặc sneaker mới nhất. Đa số đang lo lắng công việc và nền kinh tế, do đó họ có xu hướng tiết kiệm tiền hơn là chi tiêu".
Để đối phó với tình hình dịch, StockX đã đưa ra thông điệp mới: từ tháng 3 đến tháng 4, họ quyết định quảng bá chương trình #FlexFromHome - chiến dịch tương tác xã hội khuyến khích mọi người thể hiện vẻ ngoài đẹp nhất của họ khi ở nhà. Với mỗi hình ảnh phù hợp được đăng tải, nền tảng này sẽ quyên góp thêm 1 USD trên mức cam kết 20.000 USD (khoảng 472,65 triệu đồng) cho quỹ Feeding America Covid-19. Chương trình được nhiều người hưởng ứng, với hơn 4.365 đề cập (mention) trên nhiều diễn đàn.
Trong khi đó, Stadium Goods đưa ra thách thức trực tuyến trong nỗ lực thu hút khán giả và thúc đẩy doanh số bán hàng. Nền tảng này gần đây hợp tác với Ebay ra mắt "Sneaker Showdown" - cho phép người dùng bỏ phiếu cho một sneaker được bán với giá giảm đáng kể.
Giám đốc chiến lược của thương hiệu văn hóa sneaker B/R Kicks - ông John Marcelo - cho biết tín đồ có thể tìm đến thị trường seconhand như một phương tiện bán hàng để kiếm tiền hoặc mua giày với giá chiết khấu.
Khấu hao? Trừ khi đó là sản phẩm hiếm
Một số giày thể thao hiếm hoặc phiên bản giới hạn được chuyên gia dự đoán có khả năng phục hồi. Dòng Kanye West - West Nike Air x Yeezy 2 Red (ra mắt năm 2013) tăng lên trong ba tháng qua, từ 8.000 USD (gần 188 triệu đồng) hồi tháng 1, lên 9.500 USD (hơn 223 triệu) trong tháng 3.
Giám đốc điều hành Goat - ông Eddy Lu - cho biết ông sẽ đầu tư nhiều chức năng nhằm hỗ trợ cộng đồng hàng hiệu. Như tính năng thực tế ảo ra mắt năm 2019, cho phép các thành viên thử giày từ thiết bị di động của họ. Khi Dior x Air Jordan 1 hoãn phát hành, Goat giúp người dùng thử phụ kiện trên sàn diễn ở Miami với công nghệ AR.
Giám đốc chiến lược Marcelo tin rằng dù dịch, các tín đồ vẫn quan tâm giày thể thao, nhất là những mẫu hiếm. "Phiên bản giới hạn và các sản phẩm theo phong trào trong văn hóa sneaker sẽ tiếp tục được bán hết", ông nói. "Nhiều người mua những đôi sneaker giá cao không phải để mang. Họ sưu tập chúng", Kish Kash - một DJ và sneakerhead ở London với hơn 2.000 đôi - nói.
"Trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào, lựa chọn thị trường cổ phiếu blue-chip sẽ luôn tồn tại. Nếu chúng ta nói về thị trường nghệ thuật, những tác phẩm kinh điển như Picasso và Van Gogh sẽ luôn hái ra tiền. Hyped Air Max và Jordans có sự hấp dẫn vượt thời gian đó", Simon Wood - founder của Sneaker Freaker - cho biết. Điều trên cũng có thể thay đổi sau đại dịch, Chana Baram của Mintel cảnh báo: "Sau khi mọi thứ ổn định và mối đe dọa chính kết thúc, mọi người có thể sẽ tiết kiệm tiền thay vì mua hàng cao cấp".
Biên tập viên của Carter tin rằng việc mua những mẫu sneaker mới nhất vẫn có thể thu hút người tiêu dùng, nhất là với thị trường Gen Z (thế hệ sinh sau năm 1996), nhưng doanh số của những đôi giày mới có thể bị chậm lại do sự thay đổi trong chuỗi cung ứng.
"Giá trị của những đôi sneaker theo phong trào luôn dựa trên cung và cầu. Nếu không có nhu cầu, hãy chuẩn bị tinh thần vì chúng có thể bị xóa sổ", Simon Wood nói thêm.
Joolux là sàn giao dịch hàng hiệu chính hãng đã qua sử dụng, nơi cộng đồng đam mê hàng hiệu Việt có thể tham gia ký gửi, mua bán các sản phẩm cùng loạt dịch vụ hỗ trợ như: kiểm định, cho thuê và sửa chữa, phục hồi hàng hiệu.
Người tiêu dùng và độc giả có thể đóng góp ý kiến dưới mỗi bài viết để cùng chia sẻ, kết nối với cộng đồng yêu thích hàng hiệu và thời trang cao cấp.
Vân Bùi (Theo Vogue Business)