Một số địa chỉ khác cũng thu hút khách hàng bằng cách giảm giá. Nhà sách Đông Tây thường xuyên giảm 30-35% cho khách quen, hiện nay cũng mở đợt giảm giá 20-30% cho mọi đối tượng. Nhà sách Tiền Phong nhân dịp ba năm thành lập đang hạ giá bán các loại sách 10-50%. Anh Đoàn Tử Hoan, đại diện nhà sách Đông Tây tại cơ sở 32 Bà Triệu, Hà Nội, cho rằng phương thức cạnh tranh phổ biến giữa các nhà phát hành sách tư nhân với nhau và giữa tư nhân với nhà nước là trừ phần trăm giá bìa.
Lý giải độ chênh lệch giá sách quá lớn, ông Trần Thức - Trưởng phòng liên kết xuất bản, Công ty văn hóa Phương Nam (TP HCM) -cho rằng, các cơ sở phát hành tư nhân mua nhiều nên được chiết khấu cao, sẵn sàng bán giảm giá bìa, thu lãi ít để thu hồi vốn nhanh. Cơ sở tư nhân cũng có hệ thống phát hành từ bán sỉ đến bán lẻ, có nhiều quầy vỉa hè, chi phí thấp, thuế má ít. Còn các nhà sách lớn của nhà nước không thể làm theo phương thức này, lãi đã được quy định, không tùy tiện được.
Một lý do khác là các nhà làm sách tư nhân thường tìm cách tiết kiệm tối đa chi phí từ khâu in ấn, thuê người đánh máy bản thảo, thù lao cho người biên tập, nhuận bút cho tác giả, tiền thuê mặt bằng kinh doanh cho đến giảm thiểu số nhân viên. Một số người chạy theo lợi nhuận đã không ngại trốn thuế doanh thu bằng cách in sách lậu (in dư số lượng đã đăng ký, in nối bản, in nhái...).
Sống trong tình trạng sách lậu, nhái bản, nhiều người làm sách buộc phải tìm ra các tiểu xảo tự bảo vệ mình. Thứ nhất là tiểu xảo "nghi binh số lượng", luôn nói dối về lượng sách của mình đang lưu hành trên thị trường. Thứ hai là luôn thay đổi hình thức, hoặc sửa đổi đôi chút nội dung của cuốn sách khiến dân làm lậu khó theo kịp. Thứ ba là giữ bí mật tên, đề tài cuốn sách, thời gian in ấn, thời điểm phát hành, số lượng in. Cuối cùng là dùng dấu hiệu đặc biệt khó làm giả để đánh dấu lên những bản sách như: tem chống giả, giấy in có hoa chìm chỉ hiện lên khi soi trước ánh đèn.
Làm sao để giảm giá bán sách?
Theo ông Nguyễn Đình Nhã, Cục trưởng Cục trưởng Xuất bản, những yếu tố cấu thành giá bán một cuốn sách hiện nay là: tiền giấy chiếm 15-30%, nhuận bút 5-12% (sách dịch tiếng các dân tộc thiểu số nhuận bút 15%), công in bình quân chiếm 5-6%, phát hành phí biến động 26-50%. Như vậy, giá thành chủ yếu của sách là giấy và phát hành phí, còn giá công in, nhuận bút đã ở mức quá thấp, không thể ít hơn, nếu không nói là cần tăng thêm. Để hạ giá sách Bộ VH-TT đã kiến nghị Chính phủ một số giải pháp sau: - Tiếp tục tăng cường kinh phí trợ giá, đặt hàng, trợ cước vận chuyển cho một số sách thiết yếu phục vụ số đông độc giả. Nâng mức tài trợ đặt hàng đến năm 2005 đạt 10 tỷ đồng/năm (hiện nay là 5 tỷ đồng/năm). Trợ cước 100% cho xuất bản phẩm phục vụ miền núi, vùng sâu, biên giới, hải đảo để đến năm 2005 đạt 4 tỷ đồng/năm. - Đề nghị Nhà nước cấp đủ vốn cho các nhà xuất bản, phát hành sách, cơ sở in theo quy định của pháp luật. Đề nghị xuất bản phẩm không là đối tượng chịu thuế VAT, được áp dụng mức thuế suất 0% và áp dụng mức thuế suất 5% ngoài đối tượng xuất bản phẩm trên. Miễn thuế cho các tổ chức phát hành sách nhà nước. Những hiện pháp trước mắt cần tập trung giải quyết: - Đẩy mạnh sản xuất giấy trong nước để cung cấp đủ nhu cầu. - Hạ tỷ lệ chiết khấu phát hành, ban hành khung chiết khấu phát hành hợp lý và thống nhất trong toàn quốc. - Tăng cường quảng bá về sách trên các phương tiện thông tin đại chúng, mở rộng hệ thống thư viện, hệ thống phát hành sách, xây dựng chương trình khuyến đọc rộng rãi để thu hút người đọc khắp mọi vùng đất nước, tạo điều kiện cho việc nâng cao số lượng trên mỗi đầu sách. |
(Theo Tuổi Trẻ)