Hôm 6/5, Mysteel cho biết giá quặng sắt giao ngay loại 62% Fe đạt 201,15 USD một tấn, lần đầu cán mốc 200 USD. Giá trong các hợp đồng tương lai tại Singapore tăng 5,1% lên 196,40 USD một tấn - cao nhất kể từ năm 2013. Giá tại Đại Liên (Trung Quốc) cũng tăng 8,8%.
Nhu cầu thép tăng mạnh trên toàn cầu trong bối cảnh kinh tế đang dần hồi phục. Tuy nhiên, các hãng khai mỏ lớn nhất thế giới lại đang vấp phải nhiều vấn đề về vận hành, khiến nguồn cung quặng bị thắt chặt.
Nhu cầu cũng bùng nổ khi các hãng thép Trung Quốc duy trì sản lượng trên 1 tỷ tấn một năm, bất chấp nỗ lực kiểm soát nguồn cung và sản xuất nhằm hạn chế mức phát thải carbon của ngành thép. Tuy nhiên, các biện pháp đó lại khiến giá thép không ngừng leo thang, kéo tỷ suất lợi nhuận lên cao, giúp các nhà máy thích nghi tốt hơn với việc giá quặng đầu vào tăng.
Nhà phân tích Kaan Peker của RBC Capital Markets cho biết: "Kế hoạch cắt giảm sản lượng thép của chính phủ Trung Quốc đã không phát huy hiệu quả". Sản lượng thép bên ngoài Trung Quốc đang tăng khá chậm, nhưng sẽ bắt đầu phục hồi từ cuối quý II.
Giá quặng sắt cũng tăng đột biến khi Bắc Kinh thông báo đình chỉ vô thời hạn Đối thoại kinh tế Chiến lược Trung Quốc – Australia. Quan hệ giữa Trung Quốc và Australia xuống cấp khi Trung Quốc áp thuế chống phá giá nhằm vào lúa mạch và rượu có nguồn gốc từ Australia, đồng thời yêu cầu các thương nhân ngừng mua sản phẩm như đồng, đường, gỗ và tôm hùm.
Đến nay, quặng sắt vẫn nằm ngoài cuộc chiến này. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đang phụ thuộc vào 60% quặng sắt nhập khẩu từ Australlia.
Đào Vy (theo Bloomberg)