Người gửi: Master NINO
Gửi tới: Ban Ôtô Xe máy
Tiêu đề: Giá ôtô : người tiêu dùng có quyền quyết định
Bài toán nhập khẩu ôtô cũ nhằm tăng sức ép tới các nhà sản xuất lắp rắp trong nước dường như không có kết quả giảm giá xe như mong đợi. Nhưng ở đây, tôi không muốn bàn đến vấn đề nhập khẩu xe cũ cũng như tại sao giá xe tại Việt Nam lại cao hơn các nước khác. Nhiều bài viết đã bàn đến vấn đề này rồi.
Như các bạn đã biết, các công ty kinh doanh sản xuất ôtô bao giờ cũng chịu áp lực gồm: 1. Cạnh tranh giữa các hãng, 2. Sức ép về doanh thu, 3. Sức ép về lợi nhuận, 4. Thu hồi vốn đầu tư và khấu hao.
Các bạn sẽ hỏi tại sao tôi lại đi nói về sức ép của các công ty lắp rắp và sản xuất ôtô. Xin thưa, chỉ có hiểu được những áp lực này cộng với đoàn kết của người tiêu dùng thì giá xe ôtô mới rẻ được.
1. Sức ép cạnh tranh giữa các hãng ở Việt Nam chưa đủ mạnh để có thể giảm được giá bán xe cho người tiêu dùng.
2. Sức ép về doanh số, lợi nhuận, thu hồi vốn và khấu hao. Ở bất kỳ công ty nào cũng có. Các hãng sản xuất ôtô trong nước cũng vậy, họ mà không bán được xe thì hoặc bán ít quá thì khả năng tồn tại của công ty là rất thấp. Đây mới là sức ép lớn nhất tới các công ty sản xuất lắp ráp xe ôtô trong nước.
Tôi xin lấy ví dụ: trong 4 tháng đầu năm 2006, doanh số và số lượng xe bán ra của các công ty đang trên đà giảm xuống do tâm lý mua chờ đợi xe cũ nhập khẩu. Do vậy các công ty, đại lý thi nhau giảm giá, khuyến mãi để bán được hàng.
Theo tôi tại sao chúng ta những người tiêu dùng không đoàn kết với nhau tạm ngưng mua xe trong một, hai quý. Thử hỏi các công ty và các đại lý nào sẽ không như ngồi trên đống lửa? Sức ép chi phí, doanh số...sẽ buộc các công ty xem lại chính sách giá vô lý của mình.
Hơn nữa từ 1/6/2006, các công ty, cơ quan nhà nước sẽ ngừng mua ôtô. Đây cũng là một sức ép đáng kể tới các công ty.
Các bạn hãy tạm ngưng mua xe ôtô lại một quý, hai quý là cùng. Các bạn sẽ được hưỏng chính sách giá hợp lý hơn. Đừng để các nhà sản xuất, đại lý, đánh vào tâm lý người tiêu dùng như cuối năm 2005.