Đang điều phối nhóm nhân công nhập kho 120 tấn khoai lang mua của nông dân địa phương chất vào kho, ông Sơn Văn Luận, 67 tuổi, Chủ nhiệm hợp tác xã Thanh Ngọc ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long cho biết, lúc này gần cuối vụ nhưng giá khoai cũng không nhích lên nỗi, chỉ khoảng 2.500-3.000 đồng một kg.
"Số khoai này tôi mua vét cho bà con rồi tìm cách kết nối các nơi để bán chứ chưa có đầu mối nào đảm bảo tiêu thụ hết", ông nói.
Theo chủ nhiệm HTX này, trước Tết Nguyên đán, khoai lang tím Nhật được mua xuất sang Trung Quốc với giá một triệu đồng mỗi tạ (60 kg). Tuy nhiên, sau Tết, dịch Covid-19 tái bùng phát, giá giảm còn 600.000 đồng, rồi 400.000 đồng một tạ... và 30.000 đồng mỗi tạ vào đầu tháng 6. Hiện nay vào cuối vụ, giá có nhích lên, khoảng 150.000-160.000 đồng mỗi tạ nhưng với giá này người dân vẫn thua lỗ nặng.
Hiện chi phí trồng khoai 150-200 triệu đồng mỗi ha, cho sản lượng thu hoạch khoảng 30 tấn. Với giá khoai loại tốt nhất hiện giờ tại ruộng gần 3.000 đồng mỗi kg thì không thể nào bù nỗi chi phí đầu tư. Theo ông Luận, chưa lúc nào người trồng khoai khốn khó thế này. Hàng loạt nông dân sau khi thu hoạch xong do thua lỗ nặng lại gặp dịch bệnh hoành hành đã bỏ rộng, không xuống giống vụ mới.
"Khoảng 3 tuần trước, chỉ riêng HTX của tôi tồn đọng gần 600 tấn khoai nên đã bán lỗ hơn 400 tấn cho những người làm từ thiện và nhà máy chế biến thức ăn gia xúc với giá 500-2.000 đồng mỗi kg (tuỳ loại); còn hơn 100 tấn phải bỏ vì bị hư hỏng do trữ lâu", chủ nhiệm HTX nói.
Huyện Bình Tân là thủ phủ khoai lang tím Nhật của tỉnh Vĩnh Long có diện tích 12.000-13.000 ha mỗi năm nhưng hiện chỉ còn khoảng 7.000 ha. "Địa phương đang còn khoảng 600 ha khoai tới lúc thu hoạch, sản lượng gần 2.000 tấn. Sản phẩm không còn ùn ứ nhưng giá bán quá thấp khiến nhiều nông dân lâm cảnh khó khăn", ông Nguyễn Văn Tập – Chủ tịch UBND huyện Bình Tân nói.
Trong khi đó, tại Thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long có khoảng 2.000 ha bưởi Năm Roi cho sản lượng khoảng 23.000 tấn mỗi năm. Những năm chưa có dịch Covid-19, giá bưởi tại vườn thường ở mức 18.000-30.000 đồng mỗi kg, dịp lễ Tết lên 40.000-50.000 đồng. Nhưng nay người dân trồng bưởi cũng đang lâm cảnh khó vì giá xuống rất thấp.
Gia đình bà Nguyễn Thị Sương, 54 tuổi, trồng một ha bưởi Năm Roi đang cho thu hoạch. Trước khi đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, giá bán 10.000-14.000 đồng mỗi kg nhưng nay chỉ còn 2.000-9.000 đồng, tuỳ kích cỡ, trọng lượng trái. "Mức giá này thấp nhất 10 năm qua, không thể nào bù lại tiền phân bón, thuốc trừ sâu, công chăm sóc được", bà Sương nói.
Tương tự ở Sóc Trăng, Cần Thơ, giá nhiều loại trái cây đặc sản tại vườn cũng ở mức rất thấp. Hiện giá chôm chôm được thương lái thu mua 5.000-6.000 đồng một kg, nhãn ido, nhãn tiêu da bò 6.000-8.000 đồng, thanh nhãn 30.000 đồng mỗi kg...; thấp hơn 2-3 lần so với thời điểm chưa bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư.
Lý giải nguyên nhân giá nông sản xuống thấp, ông Sơn Văn Luận, Chủ nhiệm hợp tác xã Thanh Ngọc cho biết, khoai của người dân nơi đây trồng chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng mấy tháng qua, nước này không nhập hàng nữa nên giá giảm rất nhanh.
Trong khi đó, với mặt hàng bưởi Năm Roi, việc mất đi thị trường tiêu thụ lớn là TP HCM khiến mặt hàng này ảnh hưởng nặng. "Trước đây, hàng ngày tôi bán cho các mối ở TP HCM 8-10 tấn bưởi. Nhưng 3 tháng qua, dịch bệnh bùng phát mạnh, chợ đầu mối đóng cửa, giãn cách... việc tiêu thụ ở thị trường lớn nhất nước này "đóng băng". Do đó, hiện tôi chỉ còn bán ra Hà Nội, nhưng số lượng chỉ 4-6 tấn mỗi ngày", ông Nguyễn Thanh Quý, chủ vựa trái cây ở Thị xã Bình Minh nói.
Theo ông, thị trường bị co hẹp, trong khi sản lượng không giảm nên các vựa phải bán ra giá thấp để kích thích tiêu thụ. Từ đó, họ hạ giá mua của người dân để không bị lỗ và bù lại phần chi phí tăng cao...
Ông Nguyễn Trung Kiên - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long cho biết, hiện nông sản của người dân vẫn được tiêu thụ tại địa phương, các tỉnh lân cận và TP HCM; không bị tồn đọng, còn giá cả tuỳ từng thời điểm.
Theo ông Kiên, với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Tổ công tác 970 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)... từ 16/7- 10/9, có hơn 230.000 tấn nông sản chủ yếu của nông dân trong tỉnh thu hoạch được tiêu thụ. Trong đó, gần 54.000 tấn được tiêu thụ trong tỉnh, ngoài tỉnh khoảng 180.000 tấn qua hệ thống chợ truyền thống, chợ nông sản, kết nối cung cầu với các tỉnh thành, doanh nghiệp đầu mối...
Cửu Long