Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội Nguyễn Trọng Tỵ. |
Bà Đinh Ánh Tuyết (Trưởng văn phòng luật sư IDVN) cho biết, hoạt động luật sư đi đôi với hoạt động xã hội, kinh doanh. Gia nhập WTO, tất cả mọi người đều hiểu rằng giao dịch quốc tế, sở hữu trí tuệ, phát triển thị trường... sẽ mở rộng hơn. Theo tiến sĩ luật Phạm Hồng Hải, việc Việt Nam trở thành thành viên của WTO không chỉ tốt cho lợi ích quốc gia mà còn có lợi cho mỗi cá nhân qua việc giao thương quốc tế phát triển, tạo thêm nhiều cơ hội làm ăn mới, nhu cầu việc làm tăng và đời sống được nâng lên. Ông Hải đánh giá: "Các quan hệ ngày càng mở rộng, cơ hội mở ra cho luật sư rất lớn khi số lượng thân chủ chắc chắn sẽ tăng".
Tham gia WTO, cơ hội làm ăn với đối tác nước ngoài của các doanh nghiệp mở rộng, đồng thời những vướng mắc trong quan hệ giao dịch sẽ phát sinh. Lúc đó, vai trò của các luật sư trong việc giải quyết tranh chấp là rất lớn. Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội Nguyễn Trọng Tỵ nhận định: "Luật sư Việt Nam cần đón thời cơ này".
Ông Hoàng Phước Hiệp. |
Vụ trưởng Vụ pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) Hoàng Phước Hiệp cho biết, tranh chấp thương mại quốc tế có 2 loại. Một là tranh chấp trong các tổ chức quốc tế, ví dụ ASEAN, WTO, Liên Hợp Quốc. Thông thường trong loại này, Chính phủ là người đứng ra đại diện, nhưng sau Chính phủ là các doanh nghiệp, bên cạnh là các luật sư. Thứ hai, là tranh chấp giữa doanh nghiệp nước này với doanh nghiệp nước khác, luật sư là người trực tiếp đàm phán, giải quyết. Thắng lợi hay thất bại phụ thuộc rất nhiều vào luật sư, người nào càng giỏi thì khả năng thắng kiện càng lớn.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu nhu cầu sử dụng luật sư gia tăng thì với lượng người như hiện nay, liệu có đủ đáp ứng? Ông Phạm Hồng Hải đánh giá: "Số lượng hơn 3.000 luật sư không đủ để thực hiện trợ giúp pháp lý, đặc biệt là lĩnh vực công pháp và tư pháp quốc tế".
Vụ trưởng Hoàng Phước Hiệp nhận định với VnExpress: "Số lượng luật sư Việt Nam tương đối ít, chia làm 2 nhóm: thế hệ già và thế hệ trẻ. Thế hệ già nhiều kinh nghiệm nhưng thực tiễn thương mại quốc tế kém, ngoại ngữ có hạn. Còn lớp luật sư trẻ có trình độ tiếng Anh và nắm bắt thông tin nhanh, nhưng kinh nghiệm làm việc không bằng". Theo ông Hiệp, phối hợp cả 2 lớp luật sư này trong công việc thì sẽ thu được kết quả tốt.
Không chỉ thiếu về nhân lực mà khả năng chuyên môn cũng là trở ngại với các luật sư khi tác nghiệp. Theo ông Tỵ, hiện luật sư Việt Nam chủ yếu tham gia tranh tụng trong nước về hình sự, dân sự. "Giờ mở rộng hợp tác quốc tế, các luật sư phải tự trau dồi nghiệp vụ. Nếu cứ như trước đây thì không làm được vai trò gì", ông đánh giá. Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy, ông Hải nhận định: "Chất lượng đào tạo hiện chưa đáp ứng được nhu cầu. Một khoá học đào tạo luật sư 6 tháng chỉ là trang bị lại những kiến thức đã giảng dạy trong thời kỳ học cử nhân luật".
Nắm bắt được tình trạng này, Đoàn luật sư Hà Nội đã có kế hoạch đào tạo cho hơn 650 thành viên. Năm 2004, Đoàn đã tổ chức 2 lớp đào tạo về hợp đồng thương mại quốc tế và giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, ký văn bản ghi nhớ với một đoàn luật sư của Pháp về việc giúp nâng cao trình độ, kỹ năng hành nghề cho các thành viên. Ngay từ lúc này, Đoàn chuẩn bị triển khai đưa luật sư sang Pháp học tập. Một dự án của Đan Mạch đã đồng ý tài trợ cho Đoàn luật sư Hà Nội làm điểm tựa để triển khai đào tạo cho luật sư Việt Nam nói chung, nhằm nâng cao kiến thức về luật pháp quốc tế, thủ tục giải quyết tranh chấp quốc tế.
Ngoài chuyên môn, trình độ ngoại ngữ cũng là tồn tại hiện nay của giới luật sư Việt Nam. Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội khẳng định: "Không có ngoại ngữ, không có hy vọng tham gia giải quyết tranh chấp quốc tế". Luật sư trẻ của Đoàn Hà Nội đa số đều có ngoại ngữ song trình độ chưa cao. "Khả năng đọc các tài liệu chuyên môn còn yếu. Trong các giao dịch với đối tác nước ngoài đều phải nhờ phiên dịch", ông Tỵ cho biết.
Một thực tế là luật sư Việt Nam vẫn chưa tạo được uy tín ngay trong thị trường nội địa. Phần lớn doanh nghiệp khi xảy ra tranh chấp quốc tế đều nghĩ ngay tới luật sư nước ngoài, vì cho rằng luật sư trong nước không thể làm nổi. Song nhiều chuyên gia nước ngoài lại thuê chính đồng nghiệp Việt Nam để làm việc này. Lý giải điều này, ông Tỵ cho rằng công tác tuyên truyền, quảng bá của luật sư Việt Nam còn kém.
Ông Hoàng Phước Hiệp đánh giá, khả năng thắng của luật sư Việt Nam trong các vụ tranh chấp nhỏ hoặc vừa là tương đối cao. Nhưng trong tranh chấp lớn, nên thuê luật sư nước ngoài, có sự kết hợp chặt chẽ với các luật sư trong nước. Qua sự phối hợp này, trình độ của các luật sư Việt Nam sẽ được nâng lên.
Anh Thư