Từ đầu tháng 8, khi nhận tin trúng tuyển sớm Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà đã cùng hai người bạn đi tìm nhà trọ. Nữ sinh quê ở Quốc Oai, cách trung tâm Hà Nội chừng 30 km.
Hà cho hay mong tìm được phòng ba người, khép kín với giá 1,5 triệu mỗi người, gồm điện và nước, bằng mức thuê của chị hàng xóm vừa tốt nghiệp hồi tháng 7. Theo tính toán, em có thể trang trải tiền thuê nhà và một phần phí sinh hoạt với thù lao hai triệu đồng từ việc trợ giảng online. Còn lại, Hà xin bố mẹ mang theo đồ ăn ở quê.
Tuy vậy, từ đó đến nay, xem 20 phòng ở khu Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Hà đều nhận báo giá tối thiểu 4,5 triệu, 4.000 đồng một số điện, nước 100.000 mỗi người, wifi và vệ sinh 150.000 đồng một phòng mỗi tháng. Hà nhẩm tính riêng tiền thuê trọ đã mất hai triệu đồng.
"Bố mẹ chỉ cho em học phí thôi. Gia đình em làm nông nên cũng không khá giả", Hà nói.
Lường Thanh Bình, quê Điện Biên, trúng tuyển ngành Giáo dục mầm non, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, gặp cảnh tương tự. Biết tin đỗ hôm 18/8, Bình lên mạng tìm chỗ trọ ở Cầu Giấy để tiện đi bộ đến trường. Nữ sinh sốc vì được báo giá 4-5 triệu cho phòng khép kín, chưa có điện, nước, internet.
"Nếu cộng cả tiền ăn, một tháng em phải chi 7-8 triệu đồng. Gia đình em không thể lo được", Bình nói.
Còn Hải Tiến, tân sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, nóng ruột vì gần ngày khai giảng vẫn chưa tìm được chỗ trọ. Nam sinh cho hay 10 nơi mà em hỏi đều đưa ra giá khoảng 1,5-1,6 triệu một người.
"Em được bố mẹ cấp hai triệu mỗi tháng nên rất lo vì thuê phòng đắt quá thì không còn tiền ăn", nam sinh kể.
Theo ghi nhận của VnExpress, từ đầu năm đến nay, nhiều chủ nhà tăng giá phòng trọ 10-15%, tập trung ở các quận trung tâm như Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân. Ngoài do nhu cầu tăng, phần lớn chủ nhà nói do bất động sản nội đô leo thang, bố trí thêm nội thất, nâng cấp hệ thống phòng cháy chữa cháy... theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
Công an TP Hà Nội tháng 6 cho biết trong 37.000 cơ sở nhà thuê trọ thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy, hơn 3.000 trường hợp vi phạm, hàng trăm nhà trọ bị tạm đình chỉ.
Ông Lê Khánh Lộc, Phó trưởng phòng Quản trị và Quản lý ký xúc xá Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhận định việc này khiến nhiều nhà trọ phải đóng cửa, nguồn cung giảm đi, đẩy giá thuê ở những nơi còn lại lên cao.
Theo anh Đào Duy Tân, Giám đốc phát triển của ứng dụng tìm phòng trọ Rencity, quản lý hơn 2.000 chỗ cho thuê tại Hà Nội, phòng với đồ dùng cơ bản như điều hòa, nóng lạnh, tủ lạnh, bàn ghế và tủ quần áo có giá phổ biến từ 1,5 đến 6 triệu đồng. Mức này tăng khoảng 300.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện, nhà trọ giá hai triệu trở xuống gần như không còn. Phòng trọ 2-3,5 triệu là khó thuê nhất vì nhu cầu lớn, chiếm khoảng 50% trong 80.000 người dùng của Rencity. Trong số 1.400 phòng giá này, tỷ lệ lấp đầy đạt 97%, còn lại là những phòng xuống cấp như thấm dột, nội thất cũ.
Ở mức 3,5-6 triệu, tuy tỷ lệ lấp đầy khoảng 90% ở khoảng 500 phòng song vẫn dễ thuê hơn vì số lượng phòng có xu hướng tăng.
Giá nhà trọ cao khiến nhu cầu ở ký túc xá tăng gấp 2-4 lần mọi năm. Hiện, chi phí ở đây chỉ 150.000-500.000 đồng mỗi sinh viên mỗi tháng, tùy trường.
Tại Đại học Bách khoa Hà Nội hôm 28/8, từ 5h, hàng trăm người xếp hàng tại ký túc xá để đăng ký trực tiếp, gây ra khung cảnh hỗn loạn.
Ông Đinh Văn Hải, Giám đốc Truyền thông và Tri thức số của trường, cho biết nhu cầu ở ký túc xá cao hơn hẳn những năm gần đây. Trường sắp xếp hơn 1.000 chỗ cho tân sinh viên nhưng khoảng 4.000 em đăng ký.
Đại học Sư phạm Hà Nội bố trí được cho hơn 1.300 tân sinh viên ở ký túc xá. Theo ông Nguyễn Văn Thỏa, Trưởng ban quản lý ký túc xá, nhu cầu nhiều hơn gấp rưỡi so với số chỗ mà trường có thể bố trí. Có em viết email chia sẻ nếu không thể ở ký túc xá có lẽ phải bỏ nhập học.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền, và Đại học Kinh tế Quốc dân cũng ghi nhận nhu cầu ở ký túc xá tăng 20-100% và đã hết chỗ từ tháng 8.
"Quản lý ký túc xá 15 năm, đây là lần đầu tiên tôi thấy nhu cầu ở ký túc xá cao đột biến như vậy", ông Lê Khánh Lộc của Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói.
Ông Lê Xuân Thành, Trưởng phòng Công tác chính trị - Sinh viên, trường Đại học Mỏ - Địa chất, cho biết nhiều sinh viên phải đi thuê trọ do ký túc xá không đủ chỗ. Ký túc xá của trường này chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu.
Ông khuyên nhóm phải thuê ngoài cảnh giác với các chiêu lừa.
"Chẳng hạn, người cho thuê không phải là chủ sở hữu nhưng bắt đóng tiền trọ trước, hoặc môi giới đòi tiền cọc, sau đó biến mất", ông ví dụ. Ngoài ra, sinh viên hãy kiểm tra tình trạng đồ dùng trước khi thuê. Các em có thể nhờ người lớn hoặc anh, chị đã có kinh nghiệm sống ở thành phố đi tìm và ký hợp đồng thuê nhà trọ cùng.
Hôm 30/8, Thanh Bình thở phào vì đã được vào ký túc xá của Đại học Sư phạm Hà Nội. Phòng dành cho 6 sinh viên, Bình chỉ phải đóng 400.000 đồng một tháng.
Thanh Hà vẫn muốn ở ngoài để tiện làm thêm. Nữ sinh nói may mắn được nhận làm nhân viên hành chính tại một trung tâm tiếng Anh, thù lao ba triệu đồng mỗi tháng. Hà cho hay sẽ chi tiêu tiết kiện để có dư, dành học chứng chỉ tin học.
Dù nắng nôi, Hải Tiến tiếp tục tìm nhà sau khi trượt chỗ ở ký túc xá Bách khoa. Nam sinh đang ra các khu xa trường hơn như quận Nam Từ Liêm.
"Em tin là sẽ có phòng dù vất vả hơn", nam sinh nói.
Dương Tâm - Thanh Hằng - Doãn Hùng
*Tên sinh viên đã được thay đổi