Báo cáo do Trung tâm nghiên cứu nhà ở thuộc Đại học Harvard vừa công bố. Theo đó, tăng trưởng giá thuê nhà đầu 2024 đã chậm lại chỉ còn 0,2% so với cùng kỳ 2023. Tuy nhiên, so với trước dịch là đầu 2020, hiện giá nhà thuê đã tăng 26%.
Đầu năm nay, giá thuê tăng chủ yếu ở khu vực Trung Tây và Đông Bắc, giảm ở các thị trường phía Tây và Nam. Dẫu vậy, so với trước dịch, giá thuê ở 2 khu vực này cũng đã tăng lần lượt 21% và 28%.
Cùng với đó, số người chi tiêu hơn một nửa thu nhập hộ gia đình cho nhà ở và tiện ích đã tăng lên mức kỷ lục mới là 12,1 triệu người vào năm 2022, nhiều hơn trước dịch 1,5%.
Ngưỡng chi tiêu hơn 50% thu nhập cho tiền nhà - gồm tiền thuê và các chi phí liên quan như bảo hiểm, điện, nước, Internet - được xác định là "gánh nặng chi phí". Theo nghiên cứu, nhóm thu nhập thấp nhất có tỷ lệ chịu gánh nặng chi phí cao nhất, với 83% hộ gia đình kiếm được dưới 30.000 USD mỗi năm tốn hơn nửa thu nhập cho tiền nhà vào 2022.
Họ chỉ còn trung bình 310 USD mỗi tháng để trang trải cho tất cả chi phí khác ngoài nhà ở. "Việc phân bổ tỷ lệ cao thu nhập cho tiền thuê nhà khiến họ dễ bị mất nhà nếu gặp vấn đề tài chính bất ngờ như chi phí y tế", báo cáo nhận xét.
Cuộc vật lộn về giá nhà và giá thuê vẫn chưa được cải thiện ở Mỹ. "Chi phí nhà ở là một điểm đặc biệt nhức nhối với các hộ gia đình", Lael Brainard, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Nhà Trắng nhận định.
Một dự luật mới cung cấp ưu đãi thuế cho 200.000 đơn vị nhà ở giá cả phải chăng đã được Hạ viện Mỹ thông qua và chờ hành động của Thượng viện. Trước đó, chính quyền Biden đã ban hành chính sách đặt mức trần tăng giá thuê nhà cho 2 triệu căn và giảm phí bảo hiểm thế chấp.
"Đã có gần 700.000 chủ nhà tiết kiệm được khoảng 900 USD hàng năm nhờ vào việc giảm phí bảo hiểm thế chấp cho các khoản vay được FHA bảo đảm", bà Brainard cho biết.
Anh Kỳ (theo JCHS, CNN)