Thông tin trên vừa được công bố trong báo cáo thị trường nhà liền thổ của Cushman & Wakefield (công ty dịch vụ bất động sản thương mại lớn nhất thế giới).
Cụ thể, từ năm 2013 - 2016, giá nhà liền thổ TP HCM khoảng 2.000 USD (tương đương 46 triệu đồng) mỗi m2; giai đoạn 2017 - 2019, nguồn cung nhà liền thổ lên gấp đôi, giá bán cũng lên mức 4.000-6.000 USD (90-140 triệu đồng) một m2.
Biến động giá mạnh nhất của thị trường nhà liền thổ TP HCM rơi vào giai đoạn 2021 - 2023 do sự xuất hiện của rổ hàng thuộc phân khúc hạng sang và siêu sang. Theo đó, giá nhà giai đoạn này đã tăng hơn 260%, chạm mức 14.000 USD (gần 330 triệu đồng) mỗi m2.
Đà tăng giá mạnh của nhà thấp tầng những năm qua cũng được nhiều đơn vị trong ngành ghi nhận. Chuyên trang Batdongsan cho biết nửa thập kỷ qua (2018 - 2023), giá bán nhà liền thổ TP HCM và các tỉnh vệ tinh tăng gần 3 lần. Từ mức trung bình 107 triệu đồng lên khoảng 290 triệu đồng mỗi m2. Trong đó khu Đông thành phố là nơi có biến động giá mạnh nhất. Giá sơ cấp trung bình nhà liền thổ khu này đang cao hơn mức trung bình toàn TP HCM 12%.
Còn theo Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), kể từ năm 2018 đến nay, chính sách liên quan đến nguồn vốn cùng các quyết định của cơ quan chức năng trong việc kiểm soát thị trường khiến nguồn cung bất động sản nhà ở sụt giảm nghiêm trọng ở cả loại hình chung cư và nhà thấp tầng. Nhu cầu về nhà ở không ngừng tăng, gây áp lực lên nguồn cung, thúc đẩy giá nhà 10 năm qua tăng hàng chục lần. Riêng từ năm 2021 đến nay, giá nhà bình quân đã tăng trưởng 2 chữ số, thậm chí qua mỗi kỳ giá đều tăng nhiều lần, nhất là ở hai đô thị lớn Hà Nội và TP HCM.
Lý giải về xu hướng tăng đột biến của nhà liền thổ thời gian qua, nhất là 3 năm gần đây, bà Trang Bùi, CEO Cushman & Wakefield, giải thích có nhiều nguyên nhân. Trước tiên là các chủ đầu tư định vị sản phẩm ngày càng cao nên giá bán càng về sau càng đắt đỏ. Từ năm 2021 đến nay, phân khúc này xuất hiện thêm nhiều dự án được định vị chuẩn hạng sang và siêu sang, giá từ 400-700 triệu đồng mỗi m2. Các sản phẩm này đã nâng mức giá trung bình của thị trường lên một mặt bằng mới.
Bên cạnh đó, giai đoạn 2020-2022, thị trường xuất hiện nhiều cơn "sốt đất", nhà liền thổ là phân khúc bị tác động mạnh, giá đất đã từng xuất hiện tình trạng tăng hàng tuần. Nhiều dự án cũ chỉ trong 2 năm này đã điều chỉnh giá tăng trung bình 30-40% so với mức khởi điểm. Sau các đợt điều chỉnh giá thứ cấp, hầu hết dự án mới triển khai sau này cũng định hình một biểu giá bán mới vượt qua các dự án hiện hữu trước đó.
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan khu vực miền Nam, cho rằng bất động sản liền thổ vẫn luôn là kênh đầu tư hiệu quả, lợi nhuận tốt và nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh tình hình kinh tế biến động. Từ nay đến năm 2030, thành phố vẫn sẽ tiếp tục giảm dần tỷ lệ nhà ở thấp tầng trong các dự án khu trung tâm. Vì vậy, thời gian tới, nguồn cung bất động sản liền thổ sẽ tiếp tục hạn chế, giá chào bán tăng dần theo thời gian.
Theo ông, không chỉ bất động sản liền thổ mà ngay cả chung cư, đất nền vùng ven thời gian qua giá cũng được đẩy lên khá cao so với giá trị thực. Hơn nữa các chủ đầu tư khi giới thiệu ra thị trường hầu như đều thiết lập giá sản phẩm của họ trong 2-3 năm tới nên không bất ngờ khi giá bán loại hình này vượt qua khả năng hấp thụ của số đông người mua hiện nay.
Ông Tuấn nhìn nhận nhà liền thổ là nhóm tài sản có giá trị cao, nguồn cung đang ngày càng hạn chế dần theo thời gian. Hiện nay, quỹ đất phát triển các dự án nhà gắn liền với đất chỉ còn giới hạn tại các khu vực lân cận đô thị vệ tinh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Thời gian tới, những người mua có nhu cầu với loại hình này sẽ phải chấp nhận đi xa hơn, trong bán kính cách TP HCM từ 30-50 km. Tuy nhiên loại hình này chỉ phù hợp với nhà đầu tư có dòng tài chính ổn định, có thể đầu tư trong trung và dài hạn.
Dự đoán của Cushman & Wakefield, trong 10 năm tới, TP HCM sẽ chỉ có thêm khoảng 88.000 căn nhà liền thổ đến từ 650 dự án mở bán. Quỹ đất khan hiếm, nguồn cung hạn chế và nhu cầu sở hữu cao khiến giá trị dòng sản phẩm này sắp tới sẽ tiếp tục tăng, mặc dù thị trường hiện tương đối trầm lắng và tính thanh khoản còn kém.
Nguyên Tiêu