Theo bảng giá đất điều chỉnh của Hà Nội áp dụng hết năm 2025, giá đất ở tại các quận tăng phổ biến 190-270% so với mức cũ. Mức tăng ở các huyện, xã thuộc thị xã khoảng 150-190%. Đất thương mại dịch vụ ở khu vực trung tâm đắt thêm 50-100%, khu vực ngoại thành 30-50%. Còn giá đất nông nghiệp thêm khoảng 15%.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, bảng giá này đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giảm bớt sự chênh lệch với mặt bằng giá giao dịch phổ biến trên thị trường. Bởi qua hai năm khảo sát, Sở này cho hay giá mua bán thực tế cao hơn bảng giá đất cũ bình quân 250%.
Mức giá điều chỉnh ở bảng mới, theo nhà điều hành, giúp thiết lập chính sách đồng bộ trong quản lý đất và hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng và người có nhu cầu sử dụng đất thực hiện dự án. Bảng giá đất cũng là cơ sở để tính giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao, cho thuê đất. Nhờ đó, thu ngân sách tăng qua thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất của người dân, doanh nghiệp.
Giai đoạn vừa qua, giá mua bán ở nhiều khu vực vượt xa mức trên bảng của thành phố. Ví dụ, tại khu đô thị có giá mới cao nhất Hà Nội - Tây Hồ Tây, thành phố quy định mức hơn 113 triệu đồng một m2 với vị trí đẹp nhất, tăng hơn 3 lần so với năm 2019. Tuy nhiên, mức mới vẫn được đánh giá chưa bằng một nửa thực tế khi mỗi m2 biệt thự, liền kề tại đây được rao bán khoảng 350-400 triệu đồng, còn chung cư từ 100 triệu đồng.
Dù vậy, bảng giá đất mới cũng được đánh giá tác động lớn đến cấu trúc, các phân khúc sản phẩm trên thị trường bất động sản Hà Nội. PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) cho rằng với phân khúc đất và nhà ở, bảng giá mới sẽ trực tiếp đẩy giá nhà tại khu vực trung tâm lên cao, nhất là dự án nhà liền thổ (nhà phố, biệt thự).
Với mức tăng 3-4 lần trên bảng, căn cứ để tính thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng, nên chủ đất hay nhà đầu tư có thể cần tăng giá giao dịch để duy trì được biên lợi nhuận kỳ vọng. "Xu hướng tìm kiếm sản phẩm ở vùng ngoại ô với mức giá dễ chịu hơn sẽ tiếp tục gia tăng", ông Long nói.
Về phía chủ đầu tư, theo ông Long, họ sẽ cân nhắc kỹ hơn khi triển khai các dự án mới tại khu trung tâm bởi chi phí đội lên cao. Các doanh nghiệp có thể chuyển hướng sang phát triển các dự án bất động sản ở vùng ven Thủ đô hoặc địa phương lân cận như Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc.
Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng cũng cho biết bảng giá đất mới sẽ sát thị trường nên làm tăng chi phí đầu tư xây dựng, đẩy giá nhà đắt thêm 15-20%. Tiền sử dụng đất thường chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí của dự án nhà ở, trong đó biệt thự, liền kề khoảng 25-50%. Cơ quan này tính toán ví dụ một dự án thấp tầng ở huyện Mê Linh, với bảng giá mới, tỷ trọng tiền sử dụng đất trong giá bán tăng gấp đôi, từ 15% lên 33%.
Lãnh đạo một công ty tư vấn phát triển dự án hơn 10 năm qua tại Hà Nội nói trong giai đoạn này, các dự án đã hình thành, sẵn hạ tầng và còn quỹ hàng sẽ được hưởng lợi trước khi mặt bằng giá chung toàn thị trường được điều chỉnh. Các dự án "sinh sau" nhiều khả năng tăng giá bán hoặc chủ đầu tư phải "hy sinh" giảm biên lợi nhuận để bù đắp vào chi phí sử dụng đất.
Trong khi đó, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang nhận định mặt bằng giá đất nền sẽ gia tăng, đặc biệt ở các khu vực vùng ven Hà Nội. Tuy nhiên, ông cho rằng diễn biến này diễn ra sau 6-12 tháng tới, bởi hiện tại sản phẩm này trên thị trường còn khá nhiều nên khó tăng giá ngay trong thời gian ngắn. Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cũng nhận định hiện tại thanh khoản đất nền vẫn thấp hơn so với giai đoạn trước đại dịch. 9 tháng đầu năm nay, giá đất nền tăng 10-15% so với cùng kỳ nhưng còn kém hai năm trước.
Ông Quang dự đoán tiếp sau đà tăng của đất nền sẽ là nhà liền thổ, rồi đến đất dự án. Nếu đúng quy luật, nhà chung cư là phân khúc cuối cùng điều chỉnh, nhưng sản phẩm này đã tăng giá suốt năm vừa qua nên có thể không bị tác động nhiều từ bảng giá đất mới.
Theo dữ liệu của hãng tư vấn bất động sản CBRE, đến hết quý III, bình quân giá bán căn hộ sơ cấp ở Hà Nội (chưa gồm VAT, phí bảo trì) là 64 triệu đồng một m2, cao hơn 20% từ đầu năm và gần gấp đôi so với 2020. Nhờ đà tăng gấp 4 lần, giá căn hộ ở Hà Nội đã gần tiệm cận TP HCM. Thực tế, trong quý cuối năm, hầu hết dự án mở bán mới tại Thủ đô cũng có giá trên 70 triệu đồng một m2.
Dù tăng không cao bằng đất ở, việc đất thương mại dịch vụ khu vực nội thành được điều chỉnh tăng gần gấp đôi khiến chi phí đầu tư các dự án như trung tâm mua sắm, khách sạn, văn phòng cho thuê bị đội lên, theo ông Ngô Trí Long. Từ đó, tỷ suất sinh lời từ các dự án này giảm hoặc giá thuê mặt bằng leo thang.
"Các doanh nghiệp nhỏ, startup sử dụng mặt bằng thương mại sẽ gặp khó, dẫn đến nguy cơ giảm số lượng công ty mới hoặc họ phải dịch chuyển sang khu vực thuê giá thấp hơn", ông Ngô Trí Long nói.
Với mức điều chỉnh 15% của giá đất nông nghiệp, ông Long đánh giá tác động không quá nghiêm trọng, song sẽ có xu hướng chuyển đổi loại đất này sang các mục đích sử dụng khác (như đất ở hoặc thương mại) để tận dụng giá trị cao hơn, nhất là với các khu vực có tiềm năng đô thị hóa.
Bên cạnh việc giúp Nhà nước thu đúng và đủ, dần minh bạch hóa thị trường, ông Trần Khánh Quang nói bảng giá đất mới góp phần hạn chế tình trạng phân lô bán nền, thậm chí nhiều thửa đất nông nghiệp hình dạng xấu có thể giảm giá mạnh.
Tuy vậy, theo chuyên gia pháp lý Phạm Thanh Tuấn sẽ khó có sự chuyển biến lớn về việc bảng giá đất điều chỉnh góp phần làm giảm tình trạng thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường đất đấu giá tại loạt huyện ven Hà Nội thời gian qua.
Theo ông Tuấn, tại nhiều khu vực, giá điều chỉnh vẫn thấp hơn nhiều so với thị trường. Bởi vậy, mức khởi điểm để đấu giá đất có tăng theo nhưng chưa thể sát với giá trị giao dịch thực tế, dẫn tới tiền đặt cọc vẫn thấp.
Anh Tú - Ngọc Diễm