- Theo ông, thị trường bất động sản đô thị mới có gì chuyển biến trong năm 2007?
- Thời gian tới, giao dịch về nhà ở cho người tiêu dùng tại các khu đô thị mới có giá dưới 1 tỷ vẫn sẽ sôi động. Đất để xây các khu đô thị mới trong các quận nội thành có khả năng không còn những vị trí đẹp như những khu vực đã được đấu giá năm 2006. Giá bất động sản tại các khu vực được đưa ra đấu giá năm 2007 có thể thấp hơn và lĩnh vực này cũng kém sôi động hơn năm 2006. Tuy nhiên, những người có thu nhập trung bình vẫn chưa thể có điều kiện và khả năng mua nhà ở trong các khu đô thị mới. Vì vậy, đối tượng mua nhà tại đây chủ yếu vẫn là những người trẻ tuổi có thu nhập cao hoặc được gia đình hỗ trợ, những người đã làm việc lâu năm ở các công ty lớn và nhiều nhất có lẽ là những người ở những địa phương khác về Hà Nội làm việc đã chuẩn bị trước tài chính để mua nhà.
Muốn đáp ứng nhiều hơn nhu cầu nhà ở cho người dân, công tác phát triển đô thị mới trong thời gian tới cần có chính sách linh hoạt hơn về diện tích và giá cả, chính sách hỗ trợ tài chính từ các chủ đầu tư...
- Ý kiến của ông thế nào khi nhiều người nhận định trong năm tới, giao dịch bất động sản đô thị mới tại những vùng lân cận sẽ sôi động hơn ở nội thành?
- Theo tôi, nhu cầu bất động sản đô thị mới trong nội thành vẫn lớn vì ở đây hạ tầng xã hội tốt hơn, các dịch vụ công cộng đầy đủ hơn. Tuy nhiên từng dự án trong khu đô thị mới do các chủ đầu tư triển khai chậm nên khó đáp ứng được mục tiêu của người tiêu dùng. Các khu đô thị mới vùng lân cận trong những năm vừa qua đã phát triển mạnh nhưng do xa trung tâm thành phố, xa nơi làm việc, hạ tầng chưa đồng bộ nên kém sức hấp dẫn. Năm tới, tình trạng có thể vẫn sẽ trầm lắng.
- Việt Nam gia nhập WTO có ảnh hưởng như thế nào đến giá nhà đất tại các khu đô thị mới trong nước?
- Việt Nam gia nhập WTO sẽ thu hút nhiều hơn các nguồn đầu tư vào bất động sản, nhất là các đô thị mới. Sự cạnh tranh của các nhà đầu tư sẽ tạo môi trường minh bạch hơn cho thị trường bất động sản nước ta. Các nhà kinh doanh bất động sản trong nước có xu hướng đầu tư mạnh mẽ hơn, hoặc liên doanh với nhau, liên doanh với nước ngoài, từ đó thúc đẩy thị trường bất động sản của Việt Nam phát triển mạnh hơn. Người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều hơn, nhất là từ khả năng đáp ứng của các nhà đầu tư lớn đối với nhu cầu về nhà ở, sẽ có đa dạng các loại nhà ở có giá bán phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Như vậy, trên địa bàn Hà Nội và các vùng lân cận có khả năng ổn định và hợp lý hơn. Tuy nhiên giá nhà vẫn cao hơn nhiều so với mặt bằng thu nhập chung của người dân.
- Với sự chuyên nghiệp, với dịch vụ chăm sóc khách hàng chu đáo của các nhà đầu tư bất động sản nước ngoài và với sự bùng nổ công nghệ thông tin... thì vai trò của các trung tâm môi giới bất động sản sẽ ra sao?
- Khi các nhà đầu tư bất động sản ngoại quốc tham gia vào thị trường Việt Nam, sự chuyên nghiệp của họ sẽ thúc đẩy nhu cầu nâng cao trình độ, nghiệp vụ, quy mô hoạt động của các đơn vị kinh doanh bất động sản trong nước. Người tiêu dùng có thể trực tiếp tìm hiểu các dự án mà mình quan tâm cũng có thể tìm hiểu gián tiếp qua Internet. Những vấn đề này sẽ làm hạn chế hoạt động của các trung tâm môi giới bất động sản. Thế nhưng vai trò của các trung tâm môi giới vẫn rất cần thiết. Do hoạt động liên tục nên họ cập nhật được những thông tin cũng như diễn biến của thị trường bất động sản một cách kịp thời và chính xác. Họ cũng đáp ứng được khá nhiều nhu cầu của các khách hàng, nhất là những khách hàng không có đủ thời gian và điều kiện tiếp cận với các dự án và các công trình nhà ở, đất đai thuộc sở hữu cá nhân...
Khi Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực, các trung tâm sẽ phải chuẩn hóa về quy mô, về con người, về năng lực... theo luật định, còn không sẽ bị đào thải.
(Theo TBKTVN)