Năm 2016, Eleni Constantinidou chỉ mất 400 euro (438 USD) để thuê một căn hộ ven biển tại Limassol, thành phố lớn thứ hai Cộng hòa Cyprus có 176.000 người sinh sống. Bây giờ, giá thuê tối thiểu là 1.500 euro cho căn hộ có hai phòng ngủ.
Constantinidou đang mang thai khi chủ nhà chấm dứt hợp đồng. Không thể tìm được nơi ở với giá cả phải chăng, người phụ nữ Cyprus và chồng con buộc phải chuyển tới sống cùng cha mẹ. "Bây giờ người Cyprus không thuê nổi nhà trên chính quê hương mình nữa. Các chủ nhà thừa biết, nhưng họ chỉ tìm khách nước ngoài", cô nói.
Tại thủ đô Nicosia, nơi nằm trong đất liền và không có tầm nhìn ra Địa Trung Hải, căn hộ hai phòng ngủ vẫn có giá khoảng 650 euro một tháng. Nhưng Limassol, nơi có biệt danh là "Moskva ở Địa Trung Hải", từ lâu đã thu hút những người nói tiếng Nga.
Tháng 2/2022, khi Moskva phát động chiến dịch ở Ukraine, các công ty công nghệ tài chính bắt đầu rút khỏi hai quốc gia và nước láng giềng Belarus. Nhiều công ty chuyển sang Limassol để tận dụng ưu đãi thuế ở Cyprus, khiến một tầng lớp chuyên gia giàu có đổ về nước này.
Hồi tháng 5, trang web của công ty truyền thông Nga Vestnik Kipra thống kê họ có 3.000 chuyên gia IT và con số này liên tục tăng. Số người Ukraine tới Cyprus cũng tăng. Thị trưởng Nicos Nicolaides ước tính 10.000 người Ukraine đã chuyển tới Limassol từ khi xung đột bùng nổ và đánh giá con số này "khá lớn".
Dmitri Leonov làm việc cho một công ty công nghệ tài chính và chuyển từ Moskva tới Cyprus trước khi xung đột xảy ra, cho hay mức lương trung bình trong lĩnh vực này là 5.000 euro. "Do đó với họ, trả 1.500 euro tiền thuê nhà không thành vấn đề", anh nói. "Điều này đã tác động lớn tới thị trường bất động sản".
Bản thân anh từng trả 1.500 euro thuê nhà, sau đó chủ nhà tăng lên 2.000 euro. Anh cho hay đã rất may mắn khi tìm được một căn hộ khác trong phạm vi ngân sách vì có hơn 60 người đăng ký thuê.
Giá thuê nhà ở Limassol tăng 23% trong vòng một năm, theo Ask Wire, công ty phân tích thị trường bất động sản của Cyprus. Trong khi đó, giá thuê ở thủ đô Nicosia tăng 14%.
Theo Marios Constantinou, người đứng đầu công ty bất động sản QuickLets, mức tăng này đã thu hút các nhà đầu tư người Israel, những người nhận định Cyprus là cơ hội đầu tư tốt. Dòng tiền đổ vào khiến giá bán nhà tăng đột biến.
"Chúng tôi ghi nhận nhiều căn hộ đang được gấp rút xây dựng để bán với giá khoảng 500.000-700.000 euro", Pavlos Loizou, người sáng lập Ask Wire, nói.
Anh chỉ vào bản đồ có căn hộ ở trung tâm thành phố Limassol, cho hay giá bán tới 475.000 euro/100m2. "Mức giá này quá cao", Loizou nói, cho hay đằng sau những dự án lớn như thế này thường là các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là người Israel.
Tuy nhiên, anh cho rằng mô típ "người nước ngoài bán đất cho người nước ngoài để phát triển bất động sản rồi bán lại hoặc cho người nước ngoài thuê không có gì mới".
Từ năm 2008, các nhà phát triển bất động sản đổ xô tới hòn đảo này, biến đường chân trời của Limassol thành các tòa cao ốc và nhà cửa xa xỉ, khiến nó trở thành thành phố hiện đại nhất Cyprus. Các ngân hàng của Cyprus cho các nhà phát triển vay những khoản khổng lồ mà không hề do dự. Xu hướng này đã đẩy đất nước tới bờ vực sụp đổ tài chính năm 2013 sau cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Hy Lạp.
"Hệ thống kinh tế bây giờ đã mạnh hơn, nhưng vẫn nguy hiểm khi người nước ngoài lấy Cyprus làm sân chơi tài chính", Constantinou nói.
Theo chuyên gia bất động sản Loizou, năm 2022 có 4.213 căn nhà ở Cyprus đã bán cho người nước ngoài, tăng so với 2.432 căn năm 2020.
Trước khi bị hủy năm 2020, chương trình hộ chiếu vàng của Cyprus đã cấp quyền công dân cho hàng nghìn nhà đầu tư nước ngoài để đổi lấy khoản đầu tư 2,5 triệu euro, thường là nhà ở. Nhiều người trong số này đến từ Nga. Chương trình để lại dấu ấn không thể xóa mờ ở thị trường bất động sản Limassol.
Florent Gastine, một đại lý bất động sản người Pháp tại Cyprus, đang hy vọng kiếm được khoản hoa hồng lớn nhờ bán căn hộ 5 triệu euro cho chủ sở hữu người Nga. Căn nhà nhìn ra biển, bếp ốp đá cẩm thạch, bể bơi khổng lồ. Chủ nhà cũng đang rao cho thuê một căn hộ khác giá 18.000 euro.
"Đây là giá thị trường", Gastine nói. Ông giải thích chương trình hộ chiếu vàng chấm dứt đã tạo ra hiệu ứng domino. Các chủ đầu tư ít xây căn hộ hạng sang hơn, đẩy giá nhà kiểu này lên cao.
Thị trưởng Limassol cho rằng giải pháp duy nhất hiện giờ là xây nhà ở xã hội. "Chúng tôi không muốn Limassols trở thành nơi chỉ có dân cổ cồn trắng mới sống được", ông Nicolaides nói. "Thật đau lòng khi người Cyprus không thể sống ở nơi mình sinh ra".
Hồng Hạnh (Theo AFP)