UBND TP HCM vừa phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng hạn chế phát triển dự án mới tại khu trung tâm và nội đô Sài Gòn. Tại khu vực trung tâm hiện hữu gồm quận 1, 3, từ nay đến năm 2020, không phát triển các dự án nhà ở mới.
Các quận nội thành gồm quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, tập trung hoàn thiện các dự án dở dang và cũng bị hạn chế phát triển các dự án nhà ở mới.
Đối với các quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức chỉ tập trung hoàn thiện các dự án dở dang. Các địa bàn này được phép phát triển các dự án nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn (như tuyến Metro số 1 tại các quận 2, 9, Thủ Đức) hoặc các khu vực có kế hoạch thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương ứng.
Còn các huyện vùng ven Sài Gòn gồm: Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và Cần Giờ tập trung hoàn thiện các dự án dở dang, rà soát, thu hồi các dự án chậm triển khai, ưu tiên phát triển nhà dự án tại các thị trấn, khu dân cư nông thôn và khu vực đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, thành phố chủ trương không phát triển các dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở tại các địa bàn chưa có kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tương ứng.
Mặc dù hạn chế phát triển dự án mới tại khu vực trung tâm và nội thành Sài Gòn, kế hoạch phát triển nhà ở của TP HCM chú trọng cơ chế ưu tiên phát triển các dự án nhà ở xã hội tại các quận, huyện vùng ven.
Đánh giá về việc TP HCM khoanh vùng những địa bàn không cấp phép dự án mới, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho biết, đây là một công cụ điều tiết thị trường nhà ở được UBND thành phố nghiên cứu rất lâu mới áp dụng.
Theo ông Châu, nguyên nhân chính dẫn đến việc hạn chế phát triển các dự án mới tại khu vực trung tâm và nội thành TP HCM là do tình trạng hạ tầng đô thị đang quá tải. Nạn kẹt xe ngày càng gia tăng và chưa thể giải quyết dứt điểm. Sự tích tụ các dự án nhà ở, đặc biệt là chung cư cao tầng trong nhiều năm liên tiếp vừa qua đã khiến hạ tầng giao thông đô thị "ngộp thở". Vì vậy, việc tiết giảm nguồn cung đang phát triển ồ ạt là điều cần thiết.
Ông Châu cho rằng mặt tích cực của việc hạn chế phát triển dự án mới là gia tăng thêm công cụ kiểm soát, điều tiết thị trường bất động sản, bên cạnh các công cụ tài chính (chính sách thắt chặt tín dụng).
Tuy nhiên, mặt hạn chế của việc công khai các vùng cấm phát triển dự án mới là tạo nên tình trạng độc quyền, độc chiếm thị phần đối với các dự án đã được chấp thuận đầu tư hiện hữu tại khu trung tâm. "Điều này có thể gián tiếp đẩy giá nhà lên cao bất chấp thời gian qua thị trường bất động sản đã nhiều lần thiết lập mặt bằng giá mới", ông Châu nhận xét.
Trong khi đó, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Sea Holdings, Trần Hiền Phương bày tỏ quan ngại một khi TP HCM xuất hiện các vùng cấm cấp phép dự án nhà ở mới sẽ khiến cho thị trường bất động sản chịu áp lực tăng giá trong vòng 8-12 tháng tới.
Chuyên gia này đánh giá, tác động của việc hạn chế cấp phép dự án mới tại khu vực trung tâm và các quận nội thành TP HCM sẽ không diễn ra ngay lập tức vì nguồn cung nhà ở hiện hữu vẫn còn tương đối nhiều. Thị trường sẽ diễn biến theo chiều hướng hấp thụ dần nguồn cung đang dôi dư cục bộ.
Song trong 8-12 tháng tới, khi nguồn cung cũ đã được bán hết, thị trường sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt sản phẩm nhà ở và đây là thời điểm giá nhà có thể bị đẩy lên cao hoặc leo thang. "Giá nhà đất tại TP HCM chắc chắn sẽ khó có thể tăng đột biến trong lúc này do đã đạt đỉnh. Thế nhưng khi tình trạng độc quyền hoặc khan hiếm sản phẩm xảy ra trong giai đoạn cuối năm 2019 đến năm 2020, mặt bằng giá mới sẽ tiếp tục được thiết lập", ông Phương dự báo.
Tổng giám đốc Sea Holdings nhận định thêm, một tác động tất yếu đến thị trường bất động sản là "nước sẽ chạy về chỗ trũng". Khi giá nhà ở tại TP HCM quá cao và khan hiếm, bản đồ phân bổ sản phẩm mới có thể sẽ dịch chuyển về các vị trí vùng ven. Đó là các tỉnh tiếp giáp hoặc gần Sài Gòn như: Long An, Đồng Nai, Vũng Tàu, Bình Dương vì các địa bàn này không bị hạn chế phát triển dự án mới và giá đất, giá nhà ở lại mềm hơn TP HCM.
Vũ Lê