Khi tác động từ xung đột Nga - Ukraine lan rộng trên toàn cầu, người dân Indonesia đặc biệt lo ngại về việc phải trả nhiều tiền hơn cho thực phẩm, đặc biệt là món mỳ ăn liền yêu thích. Tại Indonesia, thương hiệu mỳ gói phổ biến nhất là Indomie của Indofood Sukses Makmur.
Mỳ Indomie được bán với giá trung bình khoảng 2.800 rupiah (0,19 USD) tại các cửa hàng. Đây là mức giá phải chăng ở quốc gia có lương trung bình tháng khoảng 200 USD.
Sau đợt tăng thuế giá trị gia tăng tháng 4, giá mỳ gói Indomie vẫn giữ nguyên. Nhưng khi giá lúa mỳ leo thang, nhiều người tiêu dùng cũng như chính phủ của Tổng thống Joko Widodo đang theo dõi chặt chẽ giá sản phẩm này.
Giá thực phẩm tại Indonesia đang tăng lên. Lúa mỳ, được dùng làm mỳ Indomie, có giá 11.600 rupiah (0,79 USD) mỗi kg vào ngày 8/6 - tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cuối tháng trước, Bộ trưởng Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto dự đoán giá mỳ gói tăng. Ông tỏ ra quan ngại về việc này, trong bối cảnh toàn cầu đang mất an ninh lúa mỳ do cuộc khủng hoảng Ukraine.
Theo Hiệp hội Mỳ ăn liền Thế giới, nhu cầu mỳ ăn liền của Indonesia đạt 13,27 tỷ gói năm 2021, chỉ sau Trung Quốc. Tuy nhiên, Indonesia đứng trên Trung Quốc về mức tiêu thụ đầu người, với mỗi người ăn khoảng 50 gói mỗi năm. Hầu hết mỳ ăn liền ở nước này là sản phẩm của Indofood. Vì vậy, giá của chúng liên quan trực tiếp đến người dân.
Indofood năm ngoái ghi nhận lợi nhuận ròng cao nhất 10 năm. Kết quả kinh doanh được thúc đẩy bởi doanh số mạnh mẽ trong mùa dịch năm ngoái, khi nhiều người mắc kẹt ở nhà. Khi được hỏi về khả năng tăng giá, một lãnh đạo Indofood cho biết công ty sẽ xem xét giá nguyên liệu và thành phần, cũng như cân nhắc sức khỏe nền kinh tế và sức mua của người tiêu dùng.
Trên Nikkei, một nhân viên văn phòng ở Jakarta nói rằng nếu giá mỳ gói tăng thêm, anh phải buộc thay đổi thói quen ăn uống. "Kể cả khi giá chỉ tăng lên 500 rupiah (800 đồng), cộng cả tháng lại thì sẽ có tác động lớn", nhân viên này cho biết. Anh hiện ăn mỗi tuần 3-4 gói mỳ, nhưng sẽ giảm còn 1-2 gói nếu giá tăng.
Indonesia đang đau đầu với vấn đề lương thực. Giá dầu ăn tăng cao gây ra các cuộc biểu tình của sinh viên, khiến chính phủ ban hành lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ, và chỉ được dỡ bỏ ba tuần sau đó. Tổng thống Widodo cũng vừa sa thải Bộ trưởng Thương mại Muhammad Lutfi trong một cuộc cải tổ nội các được công bố hôm thứ tư (16/6).
Tháng trước, lạm phát của Indonesia tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần 5 năm do nguồn cung thực phẩm và năng lượng bị hạn chế trên thị trường toàn cầu, tác động đến giá tiêu dùng trong nước. Cơ quan thống kê Indonesia (BPS) cho biết chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 của nước này đã tăng 3,55% so với cùng kỳ 2021, cao hơn mức 3,47% của tháng 4.
"Việc tăng giá các mặt hàng chiến lược trên thị trường toàn cầu, như bột mỳ, đậu nành, góp phần đáng kể vào lạm phát trong nước", Margo Yuwono, Người đứng đầu Cơ quan Thống kê Indonesia, cho biết.
Phiên An (theo Nikkei)