Ông Bảy, chủ vườn ở Long An cho biết, mít bắt đầu vào vụ thu hoạch nhưng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên không có thương lái thu mua khiến giá rớt mạnh.
Tuần trước, mít Thái loại 1 bán giá 17.000 đồng một kg, nay còn khoảng 10.000 đồng, loại 2 và 3 chỉ còn 6.000-7.000 đồng một kg, thậm chí có loại chỉ 3.000 đồng. Với mức này, ông Bảy cho rằng nhà vườn sẽ thua lỗ vì chi phí chăm sóc cao, trong khi hoạt động tưới tiêu tốn kém.
![Mít Thái được thương lái thu mua tại Tiền Giang. Ảnh: Tuyết Nhung.](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2021/06/03/193008468-304895544660582-1130-8606-6398-1622705980.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=EmyFhvPgwauH5-iQ4DGH1g)
Mít Thái được thương lái thu mua tại Tiền Giang. Ảnh: Tuyết Nhung.
Tương tự, một số tỉnh miền Tây khác như Tiền Giang, An Giang, giá mít cũng lao dốc chỉ còn 6.000-8.000 đồng một kg.
Trồng 0,5 ha mít ở Tiền Giang, ông Hùng cho hay, vụ trước ông bán giá 25.000 đồng một kg thì nay chỉ còn 7.000 đồng. Sau khi trừ chi phí và công tưới tiêu, mùa này ông lỗ khoảng 20 triệu đồng.
Cũng cho biết mít giảm giá sâu so với vụ mùa năm ngoái, anh Hoàng, thương lái chuyên mua mít để xuất khẩu chia sẻ, do dịch bệnh phức tạp khiến tiêu thụ trong nước giảm, còn xuất khẩu cũng bị tắc nên giá rớt mạnh.
"Năm nay tôi chỉ thu mua để bán cho một vài đầu mối trên TP HCM và một vài vựa trái cây chứ không bán xuất khẩu. Do đó, lượng thu mua giảm một nửa so với đầu năm", anh Hoàng nói.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang cho thấy, giá mít tại vườn đang ở mức 8.000 đồng một kg, giảm 50% so với hai tháng trước đó.
Nguyên nhân được cho là dịch bệnh bùng phát mạnh khiến nhu cầu trong nước sụt giảm. Đặc biệt, việc vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu để xuất đi nước ngoài gặp khó trong khi nguồn cung ngày càng tăng khiến giá càng giảm. Đây cũng là mức giá thấp nhất từ đầu năm đến nay. Hiện, toàn tỉnh này có 948 ha mít.
Còn tại Long An có hơn 1.000 ha mít Thái. Riêng Tiền Giang, đây là địa phương có diện tích mít lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với tổng diện tích 6.031 ha, trong đó diện tích trồng mới là trên 2.200 ha, diện tích cho thu hoạch 3.797 ha, năng suất 20,5 tấn một ha, sản lượng 77.675 tấn mỗi năm.
Hồng Châu