Là một người làm báo, tôi có điều kiện thuận lợi đi đây, đi đó, lại có thể chủ động về thời gian để vừa hoàn thành công việc, vừa có thể về thăm bố mẹ lúc cần thiết. Hơn 20 năm xa quê, đều đặn năm nào tôi cũng thu xếp về thăm bố mẹ từ một đến hai lần, vậy mà vẫn cảm thấy chưa hài lòng lắm.
Kỷ lục nhất đối với tôi có lẽ là vào năm 2010, bố tôi già yếu nên đau ốm kéo dài, tôi đã lên xe đò vượt hơn ba trăm cây số về nhà đến bảy lần. Những lần về như vậy phải mang theo lỉnh kỉnh máy tính xách tay, máy ảnh, sổ tay... để vừa tranh thủ chăm sóc bố, vừa viết bài cho đủ định mức được giao. Với bố, tôi như một người bạn thân thiết, thường hay trò chuyện về mọi lĩnh vực, nhất là về chính trị, bố quan tâm nơi tôi công tác thủ trưởng có khó tính không, ai đang là Bí thư Tỉnh ủy, ai là Chủ tich tỉnh, nội bộ lãnh đạo có đoàn kết không?. Bố còn thổ lộ trong số mấy anh chị em, tôi luôn được bố tin tưởng nhất. Có lần bố dặn, nếu ngày nào đó, bố có mệnh hệ gì thì tôi phải là người chủ động sắp xếp mọi việc. Tôi nhận "lệnh" của bố và còn nói rằng bố cứ yên tâm, chỉ có điều lúc ấy con không khóc to đâu nhé.
![anh-du-thi-1-1423115974-2133-1423279904.](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/07/anh-du-thi-1-1423115974-2133-1423279904.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=r5CzVFmQm8HOAvZWUR5uRA)
Vẫn như ngày nào còn bố.
Ngày bố mất, tôi không còn nhớ mình đã nói những gì với bố trước đó, chỉ nghe mọi người nói lại rằng tôi gào thét rất to, có lẽ cảm giác giây phút biệt ly làm cho tôi đớn đau và không thể nào kiềm chế được lòng mình. Bố mất, tôi vẫn duy trì thói quen về thăm quê, thăm mẹ đều đặn, chỉ có điều tôi không về đúng dịp Tết Nguyên đán.
Vậy rồi năm 2012, chỉ sau Tết gần hai tháng trời, mẹ tôi đã ra đi mãi mãi, tôi hơi chủ quan khi mà tuổi của mẹ đã bước sang 80. Trong những ngày Tết Nguyên đán năm 2012, sức khỏe của mẹ tôi vẫn bình thường, anh chị em tôi không ai nghĩ rằng chỉ một tháng sau đó mẹ đổ bệnh nặng. Hình ảnh người tài xế cùng xóm kể lại làm cho tôi day dứt mãi.
Đó là ngày mồng 6 Tết, mẹ tôi lên xe đò ôm theo 3 bó chè xanh, một món quà quê mà mỗi khi con cháu về thăm nhà thường được mẹ gói ghém để mang đi. Đến bến xe thành phố Vinh, trời mưa lăn thăn kèm theo gió rét, mẹ nhờ tài xế gọi điện cho em dâu tôi ra đón, nhận được điện thoại em dâu tức tốc phóng xe đi. Nhìn khắp nơi không thấy mẹ đâu, thì ra mẹ đang đứng nép sát bức tường ngôi nhà lớn để tránh mưa, rét.
![anh-du-thi-2-1423115974-3476-1423279904.](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/07/anh-du-thi-2-1423115974-3476-1423279904.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=eww4ANTRHfCs02p_M4dcIw)
Mẹ vẫn còn đây.
Ở chơi với gia đình em trai tôi tại thành phố Vinh được một tuần, mẹ muốn vào Quảng Trị thăm gia đình tôi. Lẽ ra tôi phải đi đón mẹ ngay, nhưng vì nghĩ đến cảnh chen chúc trên xe đò với đoạn đường dài những ngày sau Tết, tôi đã chần chừ cho đến qua rằm tháng Giêng. Ngày đón mẹ từ Nghệ An vào Quảng Trị, chỉ sau một tuần mẹ tôi bị bệnh, sao lúc ấy tôi không linh tính "Mẹ già như chuối chín cây" mà chỉ nghĩ rằng mẹ bệnh rồi sẽ khỏi thôi. Tôi vẫn vừa đi làm, vừa chăm sóc mẹ.
Một ngày cuối tháng Giêng, mẹ nói với tôi rằng mẹ đã già rồi, chẳng biết sống chết ra sao, mẹ giao cho tôi một số tiền mà mẹ từng gom góp được, để sau này thay mẹ xây lại phần mộ của ông ngoại và hai người cậu cho đẹp đẽ hơn. Bà ngoại tôi mất khi mẹ và các cậu còn nhỏ nghe đâu ở gần ga Đồng Hới (Quảng Bình). Ông ngoại người gốc Hà Nội làm nghề lái tàu hỏa. Tôi cùng người em trai út đã nhiều lần đi tìm mộ bà ngoại nhưng do mất đã quá lâu năm (khoảng năm 1945) nên chưa tìm được. Mẹ còn gói riêng một khoản tiền khác nói là để mấy anh em trang trải khi mẹ "nằm xuống". Tuy là con gái nhưng tôi lúc nào cũng tâm lý và hiểu cặn kẽ những suy nghĩ, ước muốn của bố mẹ nên được bố mẹ tin tưởng nhất. Mọi việc trong gia đình bố mẹ thường thăm dò ý kiến của tôi trước, sau đó mới bàn bạc với mấy anh chị em sau. Tôi còn được bố mẹ xem là trung tâm đoàn kết bởi biết kính trọng anh chị, thương yêu các em, có thể hy sinh quyền lợi của mình để lo cho người khác trước.
Mẹ bị bệnh, hơn một tháng trời cả gia đình tôi dốc sức cứu chữa, tôi vừa chăm mẹ tại nhà, tại bệnh viện, vừa tranh thủ viết bài. Vậy rồi do tuổi già sức yếu, mẹ đã không qua khỏi. Điều đặc biệt đối với tôi là, cả bố lẫn mẹ khi giây phút lâm chung, tôi là người đầu tiên phát hiện và chứng kiến. Một trăm ngày đầu tiên mà mẹ ra đi, không đêm nào tôi ngủ được, nước mắt luôn tuôn trào, một phần tôi nhớ mẹ, phần khác tôi day dứt tự trách mình sao cái tết cuối cùng năm ấy của mẹ mà tôi không kêu gọi anh em, con cháu sum vầy để mẹ được vui.
![anh-du-thi-3-1423116476-8067-1423279904.](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/07/anh-du-thi-3-1423116476-8067-1423279904.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ubV-etMTBblTlSpf_4W2Tg)
Niềm hạnh phúc của tôi là được bố mẹ ở bên cạnh (Ảnh tác giả - đứng bên trái, chụp cùng bố mẹ và người thân).
"Tứ thân phụ mẫu" của tôi đã lần lượt ra đi: năm 2010 là bố đẻ, năm 2011 mẹ chồng và năm 2012 là mẹ đẻ. Bây giờ tôi chỉ còn lại người bố chồng đã trên 80 tuổi, cái tuổi "như chuối chín cây". Không để phải day dứt, ân hận thêm một lần nữa, gia đình tôi quyết định tết nguyên đán năm Ất Mùi 2015 này sẽ về quê đón Tết, để được gần bố thêm ngày nào hay ngày đó, bởi ở đời không ai biết trước được rằng, những ngày tháng tiếp theo chuyện gì sẽ xảy ra. Đặc biệt với thông điệp hiện nay "Về nhà đón tết, gia đình trên hết" là khẩu hiệu đáng để mọi người lưu tâm. Và điều đặc biệt hơn tôi không muốn để bố phải trống trải, ngậm ngùi mà thốt lên rằng: "Cái gì cũng có, chỉ thiếu chúng nó" trong những ngày ngập tràn sắc xuân nơi quê nhà.
Ngân Hoa
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Xem thể lệ cuộc thi chi tiết tại đây. Gửi bài dự thi tại đây. |