Người gửi: Trịnh Đình Thảo
Sáng nay, khi đọc loạt bài về cơn mưa lịch sử tại Hà Nội trong những ngày vừa qua, lòng tôi vô cùng đau xót. Nhìn hình ảnh những chiếc xe ngập trong biển nước, những học sinh, còn rất nhỏ, phải lội nước đến trường, tôi tự hỏi là tại sao thiên nhiên lại tỏ cơn thịnh nộ với đồng bào ta như thế?
Nhưng điều làm tôi buồn hơn, đau hơn là trong hoàn cảnh khó khăn đó, lại có những người đang dựa vào đó để mưu lợi cho bản thân.
Tôi có thói quen là vừa xem tin tức trên Internet vừa mở tivi. Khi tôi đọc bài "Dịch vụ ăn theo mưa hốt bạc" cũng là lúc trên truyền hình đang chiếu lại phim thiếu nhi "Sự tích thạch sùng" (diễn viên Đức Hải thủ vai thạch sùng). Về câu chuyện cổ tích này chắc hẳn mọi người đều quá rõ. Và tôi ngờ ngợ rằng, phải chăng đang tồn tại nhiều "Thạch Sùng" giữa cuộc sống chúng ta?
Tôi hoàn toàn nhận thức được tác dụng to lớn của những người đã đứng ra lau chùi bugi, khiêng xe... trong hoàn cảnh nước ngập mênh mông như vậy. Vì nếu không có họ, những người đi đường sẽ không biết phải xoay xở như thế nào. Những việc làm ấy, quả thật, là vô cùng cần thiết, nhưng đọc đến cách họ "tính phí", cách họ tự nhận đã câu kéo thế nào, tôi thực sự rất buồn.
Tôi cũng không rõ phải diễn tả lòng mình như thế nào. Có thể cách nhìn nhận của tôi là phiến diện. Nhưng tôi đâu nói là họ phải làm không công. Tôi chỉ nghĩ rằng, trong hoàn cảnh mưa gió lạnh lẽo ấy, nếu người ta giúp nhau một cách thật lòng, và nhận lấy thù lao đúng với sức lao động của mình, thì lòng người sẽ ấm áp biết bao nhiêu.
Dù sao đi nữa, điều tôi mong muốn nhất là cơn mưa kia rồi sẽ qua đi, trả lại cuộc sống bình an cho mọi người.