Ngày 31/1, giá lúa mì hợp đồng tương lai trên sàn Chicago (Mỹ) tăng 5,5%, lên 8,74 USD mỗi giạ (hơn 25kg). Giá ngô tăng 2,3% lên 6,96 USD mỗi giạ. Theo Reuters, giao dịch dầu cọ hợp đồng tương lai tại Malaysia cũng tăng do lo ngại về tác động tiềm tàng đối với xuất khẩu dầu hướng dương của Ukraine.
Nguyên nhân là tâm lý thị trường bị ảnh hưởng bởi việc cuối tuần trước Nga tuyên bố sẽ không gia hạn thỏa thuận cho phép một số ngũ cốc của Ukraine xuất khẩu qua Biển Đen an toàn, đã đạt được vào tháng 7.
Thỏa thuận có tên gọi "Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen", do Liên Hợp Quốc làm trung gian, sẽ hết hạn vào ngày 19/11. Nó đã giúp giá một số loại lương thực trên toàn cầu hạ nhiệt sau khi đạt kỷ lục vào tháng 3.
Theo công ty dữ liệu nông nghiệp Gro Intelligence, Ukraine và Nga cùng chiếm gần một phần ba lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu. Họ cũng nằm trong số ba nhà xuất khẩu lúa mạch, ngô, hạt cải dầu và dầu hướng dương hàng đầu thế giới.
Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC) cho biết hậu quả của việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc có thể là "thảm họa" đối với các nước nghèo, nhiều nước đang phải trải qua nạn đói cùng cực. Tracey Allen, Chiến lược gia nông sản tại JPMorgan Chase, cho biết quyết định dừng tham gia của Nga "đang làm tăng thêm sự biến động lớn đối với giá ngũ cốc toàn cầu".
Theo chuyên gia này, nguồn cung toàn cầu vẫn khan hiếm do thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Mặc dù Mỹ có thể tăng xuất khẩu lúa mì một chút, nhưng sẽ không thể lấp đầy khoảng trống nếu thỏa thuận này tan vỡ, cắt đứt nguồn cung cấp chính cho các quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi.
Hôm 28/10, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết việc đổi mới "Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen" là rất quan trọng để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
"Chúng tôi nhấn mạnh sự cấp thiết của việc làm như vậy để góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên toàn thế giới và xoa dịu nỗi đau mà cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu đang gây ra cho hàng tỷ người", ông nói.
Liên Hợp Quốc ước tính việc giảm giá lương thực thiết yếu nhờ thỏa thuận đã gián tiếp ngăn khoảng 100 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực. Xuất khẩu ngũ cốc và các sản phẩm thực phẩm khác theo sáng kiến này đã vượt 9 triệu tấn.
Hiện còn 2,65 triệu tấn vẫn đang chờ kiểm tra để thông quan và chưa rõ điều gì sẽ xảy ra với số hàng hóa này, theo Warren Patterson, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại ngân hàng ING (Hà Lan).
Hôm qua, các nỗ lực vẫn được tiến hành để giữ cho ngũ cốc tiếp tục vận chuyển. Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov cho biết 12 tàu đã rời các cảng Biển Đen của Ukraine. Các tàu này chở 354.500 tấn ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác đến châu Phi, châu Á và châu Âu.
Trong sáng cùng ngày, Liên Hợp Quốc cho biết đã đồng ý với Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ - hai nước đã giúp môi giới cho thỏa thuận ban đầu - để cho 16 tàu đi qua Biển Đen. Nga cũng đã được thông báo về kế hoạch này.
Phát biểu tại Istanbul, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan nói rằng Ankara quyết tâm duy trì sáng kiến bất chấp việc Moskva rút lui.
Phiên An (theo CNN)