Giá khí đốt tham chiếu tại thị trường châu Âu hôm nay tăng 11%, cho thấy thị trường này vẫn dễ tổn thương sau khủng hoảng năng lượng năm ngoái. Giá tăng sau tin tức công nhân tại các nhà máy của Chevron ở Australia đình công sau khi thất bại trong việc đạt thỏa thuận với hãng này
Cuộc đình công bắt đầu từ chiều nay. Năm ngoái, các nhà máy trên đóng góp 7% nguồn cung LNG toàn cầu.
Hiện tại, các công nhân chỉ đình công một phần. Nhưng từ ngày 14/9, họ sẽ ngừng làm việc hoàn toàn trong 2 tuần.
Thị trường khí đốt toàn cầu biến động mạnh vài tuần qua, do giới buôn chờ đợi tác động từ các sự kiện ở Australia. Đầu tháng trước, Offshore Alliance - tổ chức đại diện cho hai công đoàn tại Australia - cho biết đang chuẩn bị cho cuộc đình công tại các cơ sở khí hóa lỏng của Chevron và Woodside Energy Group ở đây.
2 tuần trước, Woodside thông báo đạt thỏa thuận với người lao động. Trong khi đó, mâu thuẫn tại Chevron chưa thể dàn xếp vì hai bên còn bất đồng với nhiều yêu cầu cốt lõi.
Trong bài đăng trên mạng xã hội hôm nay, Offshore Alliance nhận định các yêu cầu của Chevron là "vô lý nhất" trong số doanh nghiệp mà họ đã đàm phán suốt 5 năm qua. "Các thành viên của chúng tôi đã chịu đựng đủ rồi", công đoàn này cho biết.
Tác động của việc đình công lên hoạt động giao nhận LNG có thể chưa biểu hiện ngay. Tiêu thụ khí đốt tại châu Âu và châu Á hiện khá im ắng. Dù vậy, rủi ro gián đoạn nguồn cung đã kéo giá khí đốt lên cao, do cạnh tranh giữa các khách mua có thể lên đỉnh trong thời kỳ cao điểm mùa đông.
Việc đình công hôm nay "dường như diễn ra ở quy mô nhỏ, nhằm mục đích tăng chi phí và giảm hiệu suất cho Chevron, nhưng chưa thực sự tác động lên sản xuất", Saul Kavonic – nhà phân tích năng lượng tại Credit Suisse Group nhận định.
Hà Thu (theo Bloomberg)