Cuộc điều tra dân số 10 năm một lần của Trung Quốc được công bố hôm 11/5 cho thấy dân số nước này đã tăng lên 1,41 tỷ người vào ngày 1/11/2020. Đó là tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ những năm 1950.
Raymond Yeung, Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc đại lục tại ANZ cho rằng dân số già của Trung Quốc sẽ có tác động lớn đến thế giới vì chuỗi cung ứng toàn cầu phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. "Đây là một lời cảnh báo không chỉ đối với Trung Quốc mà còn trên toàn thế giới, vì Trung Quốc là cốt lõi của chuỗi cung ứng", ông nói.
Theo tính toán của chuyên gia, trong vài năm tới, lực lượng lao động nước này sẽ mất đi 70 triệu người. Đây chính là cú sốc cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, một số tác động khác có thể xảy ra với thị trường tài chính, vì tỷ lệ tiết kiệm cao ở nước này đã và đang hỗ trợ cho thị trường toàn cầu.
Trung Quốc đi lên từ một nước nghèo khó, trở thành động lực tăng trưởng của thế giới và là nhà xuất khẩu hàng đầu, phần lớn nhờ vào một lượng lớn lao động tương đối rẻ cho các công ty đa quốc gia và các nhà cung cấp của họ. Trong quá trình này, Trung Quốc là lực lượng chính giúp kéo giảm giá hàng hóa trên các kệ hàng ở Mỹ và châu Âu. Nhưng những lợi ích đó đang dần suy giảm do thị trường lao động nước này ngày một đắt đỏ.
"Vai trò của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu hiện đã thay đổi từ một nước xuất khẩu giảm phát, sang một nước trung lập hơn ở hiện tại và ngày càng lạm phát trong tương lai" hai chuyên gia Charles Goodhart và Manoj Pradhan viết trong cuốn sách xuất bản năm 2020 có tên "The Great Demographic Reversal: Ageing Societies, Waning Inequality, and an Inflation Revival" (tạm dịch là "Sự đảo ngược nhân khẩu học vĩ đại: Xã hội lão hóa, bất bình đẳng đang gia tăng và sự hồi sinh của lạm phát.")
Điều tra dân số cũng cho thấy tỷ lệ sinh tiếp tục giảm 15% vào năm 2020 - năm giảm thứ tư liên tiếp. Các chuyên gia đã nói rằng vấn đề già hóa của Trung Quốc vượt ra ngoài chính sách một con và cần có những thay đổi khác để thúc đẩy tăng trưởng khi số sinh giảm và dân số già đi. Tương tự như các nền kinh tế lớn khác, chi phí nhà ở và giáo dục cao ở Trung Quốc đã ngăn cản người dân sinh con trong những năm gần đây.
Đầu năm nay, các nhà nghiên cứu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã kêu gọi loại bỏ hoàn toàn các hạn chế đối với việc sinh con. Họ đồng thời đưa ra các đề xuất khác để khuyến khích sinh nhiều hơn, đồng thời cảnh báo việc dân số già hóa sẽ khiến Trung Quốc gặp bất lợi về kinh tế đối với Mỹ và Ấn Độ.
Tuy nhiên, theo Raymond Yeung, tỷ lệ sinh giảm khó có thể đảo ngược, ngay cả khi Trung Quốc nới lỏng chính sách một con. Do đó, con đường của tương lai phải là tăng năng suất lao động.
Quan trọng hơn, Trung Quốc nên tiếp tục duy trì tăng trưởng thông qua phát triển công nghệ, sử dụng công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng cao, chuyển đổi toàn bộ chuỗi cung ứng, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trên cơ sở bền vững. Theo Raymond Yeung, đây là cách tiếp cận thực tế hơn là tập trung vào số lượng dân số.
Nền kinh tế Trung Quốc chủ yếu dựa vào các ngành như sản xuất đòi hỏi lượng lớn lao động giá rẻ. Nhưng mức lương tăng đang khiến các nhà máy Trung Quốc tốn kém chi phí hơn, trong khi người lao động sẽ cần kỹ năng cao hơn để giúp đất nước trở nên đổi mới hơn.
"Tôi nghĩ đây là một vấn đề rất cấp bách, rằng Trung Quốc thực sự cần phải giải quyết nguy cơ đang bị xem nhẹ này. Mọi người đều biết vấn đề là ở đó, và đều biết họ cần phải làm gì đó", ông nói.
Phiên An (theo CNBC, ThePrint)