Nam Định vừa trở thành địa phương thứ 13 xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi sau gần một tháng kể từ khi lần đầu phát hiện tại Hưng Yên, Thái Bình. Trước đó, 12 tỉnh phát hiện ổ dịch gồm: Quảng Ninh, Ninh Bình, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nam, Hải Dương, Hà Nội, Hòa Bình, Thái Nguyên, Điện Biên. Hơn 11.367 con lợn đã buộc phải tiêu hủy.
Trước tốc độ lan nhanh và rầm rộ của dịch bệnh, giá heo hơi mấy ngày nay cũng đi xuống. Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá heo hơi giảm từ 53.000 đồng xuống còn 45.000 đồng một kg so với tuần trước.
Tại miền Bắc, giá heo xuống mức thấp hơn nhiều, đặc biệt, tại các tỉnh có ổ dịch. Mỗi kg heo hơi giảm 12.000 đồng so với tháng trước khi có nơi chỉ 38.000-42.000 đồng một kg, giảm 12.000 đồng một kg so với tháng trước đó.
Các tỉnh thuộc miền Trung hôm nay ít có biến động về giá bán nhất. Tại Thanh Hoá - địa phương đang có dịch, heo đang bán với mức 42.000 đồng một kg, Hà Tĩnh dao động quanh 40.000 đồng. Các tỉnh như Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam thì giá khoảng 44.000-48.000 đồng một kg.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho biết, giá heo miền Nam giảm dù chưa có dịch bệnh là vì tâm lý lo sợ dịch kéo theo sức mua giảm. Ngoài ra, các trại heo có xu hướng bán sớm từ 80-90 kg một con thay vì đợi heo lớn 110-120 kg như bình thường.
Mặc dù giá heo hơi đang có xu hướng giảm mạnh, khảo sát các siêu thị và chợ truyền thống ở miền Nam cho thấy, giá bán lẻ vẫn giữ nguyên.
Chị Hằng, người chuyên cung ứng thịt heo tại chợ An Bình (quận 5) cho biết, giá bán lẻ vẫn cao vì giá bán sỉ tại các lò mổ vẫn giữ nguyên. Mặt khác, thay vì lấy hàng với số lượng nhiều, gần đây tiểu thương giảm lượng hàng để chỉ bán đủ theo nhu cầu. Ngoài ra, tại miền Nam, các chi cục quản lý chặt chẽ hơn trong việc giết mổ và kiểm dịch nên thịt heo tại đây vẫn nằm trong vùng an toàn.
Thi Hà