Sau khi đạt đỉnh 180.000-200.000 đồng một kg vào ngày 11/6, giá tiêu đã liên tục đi xuống, hiện còn 155.000-156.000 đồng một kg, tức giảm 14-27% chỉ trong vài ngày.
Bà Nguyễn Thị Lành, một người trồng tiêu ở Bình Phước, cho biết hơi tiếc vì không bán lúc giá đạt đỉnh. Tuy nhiên, bà cho rằng giá sẽ tăng trở lại vì năng suất vụ năm nay giảm so với năm trước.
Theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh, khi giá tiêu đạt mức cao kỷ lục, các nhà đầu cơ bắt đầu đẩy mạnh bán ra khiến mặt hàng này quay đầu giảm. Tuy nhiên, ông Thông nhận định giá tiêu khó có thể giảm sâu do nguồn cung năm nay sụt giảm.
Ông Lê Việt Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), cho rằng việc xác định nguyên nhân chính xác của sự biến động giá tiêu là rất khó. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng giá tiêu tăng nóng, giảm mạnh có thể xảy ra khi lượng lớn nhà đầu tư mua để đầu cơ. "Nông dân thường găm hàng khi giá tăng, nhưng doanh nghiệp lại không mua vào, dẫn đến giá giảm khi đạt đỉnh", ông nhận định.
Dự báo giá tiêu sẽ khó xuống dưới 100.000 đồng một kg, nhất là khi mùa thu hoạch đã kết thúc từ tháng 4 và diện tích trồng ngày càng bị thu hẹp để nhường chỗ cho các khu công nghiệp. Ông Việt Anh dự đoán sắp tới giá tiêu sẽ tăng trở lại không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.
5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 114.400 tấn hồ tiêu các loại, với kim ngạch trên 493 triệu USD, giảm 13,2% về lượng nhưng tăng 20,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thời gian qua, giá hạt tiêu xuất khẩu bình quân đạt 4.308 USD một tấn, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm trước. Hạt tiêu, cùng với gạo và cà phê, là những mặt hàng có giá xuất khẩu tăng cao nhất.
Ngành hạt tiêu Việt Nam chiếm 40% sản lượng và 60% thị phần thế giới. Theo VPSA, quy mô thị trường hạt tiêu toàn cầu có giá trị khoảng 5,4 tỷ USD và dự báo sẽ tăng trưởng trung bình khoảng 20% trong giai đoạn 2024-2032. Tính đến hết năm 2023, Mỹ là khách hàng lớn nhất của Việt Nam, chiếm 23,5% tổng giá trị xuất khẩu hạt tiêu, tiếp theo là Trung Quốc (14,1%), Ấn Độ (5,4%) và Đức (4,3%).
Thi Hà