Nguyên nhân là do báo cáo của Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) cho biết tình hình sản xuất và tiêu thụ hạt tiêu trên thế giới không căng thẳng như những dự báo trước đây.
Thị trường tiêu Ấn Độ trong thời gian gần đây sụt giảm liên tục bởi nguồn hàng cuối vụ không còn dồi dào và nhu cầu xuất khẩu cũng yếu ớt, vì giá tiêu Ấn Độ ở mức cao hơn tất cả giá tiêu của các nguồn gốc xuất xứ khác, đã kéo theo giá tiêu thế giới đi xuống.
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, ngày thứ hai 12/11, giá tiêu kỳ hạn trên sàn NCDEX Ấn Độ tiếp tục sụt giảm. So với ngày thứ hai tuần trước, kỳ hạn các tháng 11, 12 và 2/2013 lần lượt giảm tất cả 920 Rupi, 1.415 Rupi và 1.160 Rupi xuống còn 41.615 Rupi/tạ, 40.890 Rupi/tạ và 36.390 Rupi/tạ, tương đương 7.539 USD/tấn, 7.407 USD/tấn và 6.592 USD/tấn (1 USD = 55,2022 Rupi ). Riêng kỳ hạn tháng 1/2013 tạm thời không lên sàn vì khối lượng giao dịch của năm trước không đáng kể.
Giá hạt tiêu giao ngay song song với xu hướng thị trường kỳ hạn giảm 100 Rupi xuống ở 39.200 Rupi/tạ (tương đương 7.101 USD/tấn) loại tiêu xô và 40.700 Rupi/tạ (tương đương 7.373 USD/tấn ) loại tiêu chọn MG1. Tiêu đặc chủng Ấn Độ trên thị trường quốc tế là 7.800 USD/tấn (C&F) châu Âu và 8.100 USD/tấn (C&F) đối với Mỹ, vẫn cao hơn nhiều so với giá tiêu các nước.
Nguyên nhân giá giảm liên tục trong nửa tháng qua là do báo cáo của Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) tại Hội nghị Thường niên lần thứ 40 tổ chức ở Colombo, thủ đô của quốc đảo Sri Lanka cho biết tình hình sản xuất và tiêu thụ hạt tiêu trên thế giới không căng thẳng như những dự báo trước đây.
Báo cáo của sàn NCDEX và khiếu nại của Hiệp hội Thương gia lên chính phủ Ấn Độ và Ủy ban Các thị trường Tương lai (FMC) cho rằng có những tập đoàn tìm cách thao túng giá trên sàn giao dịch kỳ hạn, đẩy giá lên cao ngất ngưởng khiến tiêu Ấn Độ không còn sức cạnh tranh trên thị trường thế giới khi cao hơn 2.000 USD/tấn so với giá của các nước sản xuất khác khiến nhà đầu tư cũng chùn tay để nghe ngóng, chờ đợi...
Đồng thời còn do tỷ giá đồng Rupi xuống thấp nên nông dân mạnh tay bán hàng ra cũng như lên kế hoạch gia tăng diện tích trồng tiêu có sự hỗ trợ của chính phủ và hiệp hội tiêu ở các bang nên giá tiêu trở nên dịu lại.
Theo IPC, tổng sản lượng tiêu toàn cầu năm 2012 đạt 336.780 tấn và số dành cho xuất khẩu là 327.090 tấn. Trong khi dự báo được đưa ra trong hội nghị Bali Indonesia trước đây thì tổng sản lượng tiêu toàn cầu ước đạt 320.000 tấn, tăng so với 298.000 tấn của năm 2011 và thế giới tiếp tục thiếu hụt khoảng 52.000 tấn hạt tiêu. Nguyên nhân tăng chủ yếu là do Việt Nam và Indonesia được mùa, trong đó Việt Nam sẽ tăng 10% lên 110.000 tấn và Indonesia sẽ tăng 24% lên 35.000 tấn.
Thế nhưng con số báo cáo tại hội nghị lần này cho thấy về sản lượng tiêu năm 2012 của Indonesia là 63.000 tấn với số dư có thể xuất khẩu là 62.614 tấn. Các nhà giao dịch Ấn Độ cho rằng sự chênh lệnh giữa các số liệu được đưa ra là quá lớn và họ cảm thấy rất khó để chấp nhận số liệu này.
Tuy vậy, xu hướng giá trên toàn cầu trong năm 2013 vẫn ổn định do dự báo của IPC về sản lượng tiêu Việt Nam và Brazil đều thấp hơn, hai nhà sản xuất lớn này sẽ có một vụ mùa thu hoạch kém hơn bởi thời tiết và sâu bệnh.
IPC còn dự báo xuất khẩu năm 2013 của Việt Nam ước khoảng 100.000 tấn bao gồm 10.000 tấn tiêu trắng và 90.000 tấn tiêu đen. Sáng nay thứ ba 13/11, giá tiêu đên xô tại các tỉnh Đông Nam bộ có giá 122-123 nghìn đồng/kg và các tỉnh Tây nguyên có giá 119-120 nghìn đồng/kg.
Tiêu đen xuất khẩu được chào bán loại 500 Gr/l-FAQ giá 6.200-6.250 USD/tấn và loại 550 Gr/l-FAQ giá 6.450-6.500 USD/tấn, (FOB) ; trong khi tiêu trắng loại 630 Gr/l-FAQ chào giá 9.200-9.300 USD/tấn, (FOB), nhưng hàng xuống tàu rất chậm.
Giá tiêu trong nước hiện cũng theo chiều hướng suy giảm tuy mức giảm tương đối chậm, trong khi Ấn Độ bắt đầu bước vào lễ hội Diwali có thể khiến giá suy giảm thêm.
Theo TTVN