Khuyến cáo được Cục đưa ra sau khi nhận được đơn kiến nghị, phản ánh của PGS.TS Trần Thị Hồng Phương, nguyên phó cục trưởng y dược cổ truyền, Bộ Y tế. Theo đó, một số trang mạng xã hội lợi dụng hình ảnh và danh tính của bà quảng cáo cho sản phẩm Hương Phục Khí, mục đích bán hàng lừa đảo người tiêu dùng. Thực tế bà không liên quan đến sản phẩm này.
Các trang này cũng đăng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo để tăng độ tin cậy cho sản phẩm. Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm khẳng định các giấy tờ này giả mạo, "không có sản phẩm tên Hương Phục Khí đăng ký tại đây".
Trong thời gian các cơ quan chức năng xử lý vụ việc, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm Hương Phục Khí, tránh thiệt hại về kinh tế và sức khỏe.
Cuối tháng 5, Bộ Y tế cũng cảnh báo khi mạng xã hội xuất hiện nhiều video với hình ảnh nhân vật tự xưng là bác sĩ, lương y các bệnh viện lớn tư vấn bệnh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe là thuốc chữa bệnh.
Gần đây, các bệnh viện, bác sĩ liên tục bị giả mạo tên để bán thực phẩm chức năng. Đại diện Bệnh viện Nội tiết Trung ương cảnh báo nhiều trang mạo danh, sử dụng tên bệnh viện, lấy hình ảnh và tên TS.BS Phan Hướng Dương, Phó giám đốc, để giới thiệu sản phẩm, tư vấn điều trị bệnh.
Các bác sĩ mong muốn cơ quan chức năng chung tay chống thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, sản phẩm kém chất lượng. Bộ Y tế cũng được đề nghị xây dựng cơ sở đánh giá, xác minh nhanh độ thật - giả sản phẩm lưu thông trên thị trường. Làm theo quảng cáo sai sự thật, người bệnh không đến bệnh viện khám chữa bệnh kịp thời sẽ bỏ qua giai đoạn điều trị khỏi, tổn thất về kinh tế và tổn hại sức khỏe.
Lê Nga